Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không thể để họ biến đất nước thành bãi rác

Mặc dù còn chưa giải quyết xong cả một “ngọn núi” xỉ đồng (hơn 600.000 tấn) thải ra trong quá trình tẩy rửa tàu, mới đây Hyundai Vinashin lại cố tình chôn 60 tấn chất thải độc hại ngay sát khu vực dân cư. Rất may,vụ việc này đã bị Cảnh sát môi trường tỉnh Khánh Hòa ngăn chặn kịp thời


Hiểu rõ hậu quả, nhưng vẫn vi phạm kéo dài


Việc Hyundai Vinashin thải chất độc hại làm ô nhiễm môi trường đã diễn ra trong cả một quá trình dài. Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin chính thức hoạt động tháng 4/1999, thì không bao lâu sau đó, những trận bụi xỉ đồng đã bao trùm cả khu vực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân 2 thôn Mỹ Giang và Ninh Yển (xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Xỉ đồng, tức hạt nix, được Hyundai Vinashin dùng để bắn tẩy tàu trước khi được sửa chữa, sơn mới, sinh ra một thứ bụi mịn màu đen; độc hại vì có chứa kim loại nặng như sắt, đồng, asen, cadimi, crôm và chì.


Ngay từ tháng 4/2000, báo cáo của cơ quan chuyên môn tỉnh Khánh Hòa với UBND tỉnh và Cục Bảo vệ môi trường đã cảnh báo về khối lượng xỉ đồng qua sử dụng chỉ sau một năm được lưu giữ tại nhà máy đã trên 25.000 tấn.


Tháng 3/2001, cơ quan chuyên môn của tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục kiểm tra và báo cáo với UBND tỉnh và Cục Bảo vệ Môi trường về việc Hyundai Vinashin vẫn chưa thực hiện hầu hết các giải pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường khi sử dụng xỉ đồng.


Tháng 6/2003, Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi xỉ đồng gây ra đối với khu dân cư xung quanh.


Mặc dù vậy, vi phạm của Hyundai Vinashin vẫn liên tiếp và kéo dài. Từ năm 1999-2007, Hyundai Vinashin đã nhập vào Việt Nam khoảng 750.000 tấn xỉ đồng.


Tháng 10/2007, trong một cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành chủ trì, đại diện Hyundai Vinashin đã có lời “xin lỗi” về những gì mà nhà máy gây ra. Sau cuộc họp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Nhà máy tàu biển này; yêu cầu chậm nhất đến năm 2010, Hyundai Vinashin phải xử lý hết hạt nix (xỉ đồng).


Bởi thế, điều làm dư luận vô cùng bức xúc là: Đang trong quá trình phải khắc phục vi phạm, nhưng Hyundai Vinashin vẫn trắng trợn tiếp tục vi phạm! Đây không chỉ là hành động huỷ hoại môi trường mà còn là một sự thách thức luật pháp?.


Người ta cũng đặt câu hỏi: từ năm 2000, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Hyundai Vinashin đã được cơ quan chức năng để mắt đến, nhưng vì sao vẫn không được xử lý triệt để?


Giờ đây, trước áp lực của báo chí và dư luận, Hyundai Vinashin đã bắt đầu có những động thái tích cực hơn. Ngày 22/7 vừa qua, đơn vị này chính thức ký hợp đồng với Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim Hà Nội về việc xử lý hạt nix. Cụ thể, một nhà máy Xử lý phế thải sẽ được xây dựng. Nhà máy sẽ sử dụng 330.000 tấn nix thải/năm, với công nghệ hoàn nguyên để lấy quặng thép, phế thải còn lại dùng làm phụ gia cho công nghiệp sản xuất xi măng và gạch. Hyundai Vinashin sẽ hỗ trợ Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim Hà Nội 5,5 USD/1 tấn hạt nix thải mà nhà máy này sử dụng. Dự án đã được Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến nhà máy được khởi công ngày 1/8/2008 và hoàn thành vào tháng 10/2009.


Nếu chiểu theo Luật Bảo vệ môi trường (ban hành 29/11/2005), có điều khoản quy định buộc những người gây ô nhiễm phải phục hồi môi trường như trước khi bị ô nhiễm, thì còn rất nhiều việc mà Hyundai Vinashin phải làm, bên cạnh việc xử lý xỉ đồng (hạt nix) thải ra tồn đọng (mà cũng phải vài năm nữa mới hoàn thành, trong trường hợp thực hiện nghiêm túc).


Hình phạt phải đủ sức răn đe!


Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nghiêm túc thực hiện giám sát cam kết xử lý hạt xỉ đồng của Hyundai Vinashin; cũng như làm tròn chức năng quản lý, giám sát và xử lý kiên quyết những sai phạm, quyết không để doanh nghiệp lặp lại quá trình “chưa xử lý sai phạm này đã tiếp tục mắc phải sai phạm khác” như Hyundai Vinashin trong 9 năm qua.


Hàng ngày ở nhiều nơi, chúng ta đều có thể chứng kiến những nhà máy trong quá trình sản xuất đang tạo ra chất thải mà không xử lý, làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng hơn. Trường hợp Hyundai Vinashin không phải là cá biệt, minh chứng cho một thực tế hết sức đáng lo ngại. Mong sao, lực lượng Cảnh sát môi trường tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, phát hiện và điều tra thêm những doanh nghiệp đang coi thường phép nước, vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hoại môi trường chung.


Về lâu dài, để hoạt động bảo vệ môi trường thực sự hiệu quả, các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được hoàn thiện. Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát Môi trường, trong một lần trả lời báo chí có nêu ví dụ: Chương 17 Bộ luật Hình sự (1999), trừ hai điều 186 và 190, có quy định một trong hai yếu tố cấu thành tội phạm môi trường là gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, văn bản pháp luật chưa hề quy định thế nào là “nghiêm trọng” hay “đặc biệt nghiêm trọng”. Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường hậu quả nghiêm trọng thường khó đánh giá trước mắt, có thể nhiều năm sau mới xảy ra.


Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường quy định mức phạt hành chính tối đa chỉ là 70 triệu đồng (Hyundai Vinashin mới đây còn chịu mức phạt chỉ 10 triệu đồng, hay như cả năm 2007 họ chỉ bị phạt có 85 triệu đồng). Đối với nhiều doanh nghiệp vi phạm, mức phạt này không thấm tháp gì so với lợi nhuận họ kiếm được. Xử lý như vậy rõ ràng không đủ sức răn đe!

(28/07/2008)

( Theo VOV NEWS)

  • Bắt mạch nghịch lý: sản xuất để rồi ế đọng
  • Hiệp định thương mại toàn cầu: Lợi hay hại?
  • Đề bài nào cho tư vấn ngoại lập quy hoạch HN mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi