Theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, chưa tính tới yếu tố lạm phát và biến đổi tỉ giá USD, GDP tính theo đầu người nước ta năm 2008 ước đạt khoảng 1.027-1.030 USD. Mức thu nhập này sẽ đưa VN lần đầu tiên thoát khỏi cái tiếng nước nghèo-quốc gia có GDP tính theo đầu người dưới 960 USD/năm theo chuẩn của Liên Hiệp Quốc
“GDP không phải là con số duy nhất thể hiện mức độ phát triển, sự giàu nghèo của một quốc gia. Quan trọng là chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống người dân chứ không phải là con số đẹp tăng trưởng”. TS Nguyễn Minh Phong, Viện Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, nhìn nhận trước khả năng GDP tính trên đầu người của VN lần đầu tiên có thể vượt qua mốc 1.000 USD, vượt ngưỡng một nước nghèo theo chuẩn thế giới.
Thoát nghèo: Chưa thể thỏa mãn!
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc thu nhập tính theo đầu người của VN có thực sự vượt được mốc 1.000 USD trong năm 2008 này hay không còn phải đợi con số chính thức. Bởi theo ông, thường có hai cách tính GDP, tính theo giá hiện hành và tính theo giá gốc. Tính theo giá gốc, tức là phải trừ đi lạm phát, tức để ra con số tăng GDP đích thực và con số này mới có ý nghĩa. Dù sao, theo TS Phong, việc VN có khả năng lần đầu ra khỏi bản danh sách nước nghèo cũng là dấu mốc tích cực.
Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với ý kiến của TS Phong. Nhưng ông cảnh báo không có lý gì để thỏa mãn hoặc tự mãn với điều đó, vì so với những bước tiến mà Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore đạt được trong thời gian tương tự thì tiến bộ mà VN đạt được còn rất khiêm tốn. Vấn đề cũng đáng suy nghĩ là khoảng cách GDP tính theo đầu người của VN so với các nước láng giềng khu vực cũng còn rất xa. “Vì thế, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp phải được coi là một động lực thôi thúc để VN tiếp tục tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ tới với tốc độ cao, để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Giá trị giàu nghèo đích thực
Theo TS Nguyễn Minh Phong, GDP không phải là con số duy nhất thể hiện mức phát triển, sự giàu nghèo của một quốc gia, tương tự như câu chuyện hai người có một con gà thì có nghĩa là mỗi người có nửa con gà. “Nếu một quốc gia có GDP vượt 3.000 USD/người/năm nhưng thất nghiệp cao, thu nhập của người lao động thấp, tỉ lệ người nghèo cao... thì mới thấy giá trị đích thực của bức tranh giàu nghèo không chỉ ở con số GDP. Một nước không thể là nước giàu nếu có tới 90% tổng thu nhập quốc dân dồn vào chỉ 10% dân số” - TS Phong phân tích. Trên thế giới hiện đã có sự thay đổi căn bản để tính mức độ giàu nghèo của một quốc gia, như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số tiến bộ thực sự (GPI) và có cả cách tính GNH (Gross National Happiness –tổng hạnh phúc quốc gia)...
TS Lê Đăng Doanh cho rằng vượt lên khỏi ngưỡng những quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới thì phát triển bền vững vẫn là thách thức lớn, hết sức nghiêm túc với VN và hoàn toàn không có lý do gì để ngoảnh mặt trước thách thức này. Theo ông, đối với những người nghèo, họ không mấy quan tâm tới tốc độ tăng trưởng GDP 8% hay 9% mà chỉ quan tâm rằng thu nhập trước đây mua được 1 kg thịt nhưng nay chỉ mua được 1/2 kg. Ra đường phải chi tiền xe nhiều hơn hay con cái học hành phải chi nhiều tiền hơn, bố mẹ đến bệnh viện tốn kém hơn. “Chuyện giá cả, cơm áo gạo tiền hằng ngày mới là những điều người nghèo quan tâm nhất” - TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Năng lực tự đổi mới và thích ứng
GDP tính theo đầu người VN sớm chạm ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới nhờ sự tăng trưởng cao liên tục của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, các chuyên gia kinh tế không khỏi quan ngại trước vấn đề đặt ra là làm thế nào để VN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo nhìn nhận của TS Nguyễn Minh Phong, nền kinh tế VN hiện đã tới giới hạn của sự phát triển về bề rộng và chỉ có thể tạo ra sự phát triển mới nếu đi vào chiều sâu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu theo cái nghĩa đích thực của nó.
Nếu chỉ tính GDP theo giá trị gia tăng, cứ đầu tư hết tất cả vào những ngành nghề tốn nhiều tiền thì sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng rất lớn, nhưng sự phát triển bền vững hay chất lượng tăng trưởng không cao. “GDP có thể tăng lên 2.000 USD/người nếu Chính phủ vay thật nhiều tiền, xây dựng thật nhiều con đường... thì GDP sẽ tăng rất nhanh” - TS Phong nói.
Đã đến lúc không nên nhìn vào con số đẹp tăng trưởng mà nên nhìn vào bản chất con số đó. Tốc độ tăng GDP cao nhưng năng lực cạnh tranh thấp thì tăng trưởng cũng không có nghĩa gì khi đối mặt với khủng hoảng, đồng thời đòi hỏi phải có năng lực cạnh tranh tốt.
(Theo báo Người lao động )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com