Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), do Bộ Công thương và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định, những dự báo về cơ hội và thách thức từng được báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước khi gia nhập WTO đang diễn ra đúng như nhận định.
Đơn cử như đầu tư nước ngoài tăng mạnh, xuất khẩu tăng tốt, song nhập siêu cũng lớn, nền kinh tế chịu tác động mạnh và nhiều chiều từ kinh tế thế giới, khoảng cách về thu nhập trong dân cư tiếp tục biến động…
“Khó khăn của năm 2008 đã bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế lâu nay bị che lấp bởi tốc độ tăng trưởng nhanh, những lời ca tụng bên ngoài và thậm chí cả sự ngộ nhận về cơ hội khi hội nhập của một bộ phận doanh nghiệp. Cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, mà cần thông qua hành động cụ thể của chủ thể nền kinh tế là Nhà nước và doanh nghiệp”, ông Tuyển phân tích.
Người được mệnh danh là “ông WTO” cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội, cũng như chưa vượt qua được thách thức khi hội nhập. “Chẳng hạn, việc mở cửa thị trường bán lẻ bắt đầu từ ngày 1/1/2009 theo cam kết WTO, nhưng thực tế ta đã có một lộ trình 10 năm chuẩn bị, bởi theo Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (ký năm 2000), ta đã cam kết mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009, nay chỉ “bê” nguyên sang cam kết WTO, song thực tế là không mấy doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về việc này”, ông Tuyển chỉ rõ.
Theo nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập kinh tế quốc tế Vũ Khoan, Việt Nam gia nhập WTO cách đây 2 năm có một chút thiếu may mắn, bởi từ năm 2007, nền kinh tế thế giới đã cho thấy những dấu hiệu khó khăn và năm 2008 thì chính thức rơi vào khủng hoảng.
Do đó, việc nhìn nhận những tác động của hội nhập WTO sau 2 năm không thể tách rời bối cảnh khủng hoảng của kinh tế thế giới thời gian qua.
Ông Khoan nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước giờ là tức thì, trực tiếp và sâu sắc, chứ không còn độ trễ như nhận thức lâu nay nữa. Do đó, đây chính là lúc Việt Nam, mà trước hết là các doanh nghiệp, phải thực hiện phương châm “hành động ở địa phương, với tư duy toàn cầu”.
“Mỗi doanh nghiệp là một thực thể trong bầu không khí toàn cầu, không thể mong mình khoẻ khi bầu không khí chung bị ô nhiễm. Lâu nay, báo cáo nào chúng ta cũng nêu bối cảnh thế giới một cách chung chung, giống nhau, nhưng bây giờ phải thay đổi, phải thấy bối cảnh đó tác độ cụ thể đến doanh nghiệp thế nào”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Tư duy và thực tiễn điều hành cũng là một bài học quý giá sau 2 năm gia nhập WTO. Khi nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường, lại hội nhập ngày càng sâu thì công tác điều hành phải hoàn toàn khác trước, không thể để tình trạng bàn xong phương án thì sự việc đã qua, hậu quả đã đến. Ông Khoan cho rằng, cần khắc phục được điểm yếu khi sử dụng các công cụ của thị trường trong điều hành. Muốn vậy, điều hành phải trên cơ sở hiểu quy luật thị trường thế giới và trong nước, với phương châm nhanh nhạy, linh động, ứng xử từng giờ, từng phút.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, điều hành cần linh hoạt, nhanh nhạy, song điều hành không thoát ly khỏi thể chế, cơ chế tổ chức. Vì thế, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của năm 2009 là phải cải cách về thể chế kinh tế.
Vấn đề thể chế của nền kinh tế cũng là yếu tố được ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đề cập như là một trong những kết quả chủ yếu đạt được sau 2 năm gia nhập WTO, thể hiện ở chỗ, quan hệ tương tác giữa đổi mới, cải cách trong nước (đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế) với tiến trình hội nhập, gia nhập WTO đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, năng lực thể chế vẫn còn hạn chế, còn nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường.
Đi sâu về đòi hỏi cải cách thể chế, ông Tuyển cho rằng, 2 năm là thành viên WTO cùng tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2008 vừa qua đã phơi bày điểm yếu trong cơ cấu của nền kinh tế, đòi hỏi phải tái cơ cấu nền kinh tế ở cả tầm vĩ mô (quốc gia) và vi mô (ở từng ngành nghề, doanh nghiệp).
Ở tầm vĩ mô, mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sẽ là một lựa chọn khó khăn trong thời gian tới. Thêm vào đó, phải cân đối mối quan hệ giữa thị trường trong và ngoài nước, bởi nền kinh tế cơ cấu mở, hướng nhiều vào xuất khẩu như thời gian qua đã phát huy được một số điểm mạnh, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiến chúng ta có thể bị “ốm” khi bên ngoài chỉ mới “hắt hơi”.
“Muốn hội nhập thì trước hết, doanh nghiệp phải mạnh ở trong nước, nhưng chúng ta lại cứ để doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào thị trường trong nước rồi mới lo cạnh tranh. Thực tế là chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến thị trường trong nước với gần 87 triệu dân”, ông Vũ Khoan nói.
Yêu cầu tái cơ cấu cũng đặt ra trong từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ chỉ có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và tiếp tục hội nhập thành công, nếu biết cơ cấu lại về vốn, tổ chức, công nghệ, mặt hàng và thị trường. Rộng hơn, cần phải tái cơ cấu mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau.
Ông Khoan ví von: “Chúng ta có câu rất hay, rất đúng rằng: “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đều coi mình là một “hòn núi cao”, chẳng do cây nào chụm lại cả. Không sửa được điểm yếu cố hữu này thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó hội nhập thành công”.
(Theo báo Đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com