Đó là một trong những nội dung quan trọng được phản ánh trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 do Bộ Công Thương tổ chức vào hôm nay (31/12), tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2008: Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm dần
Theo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009 của Ngành Công Thương của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong năm 2008, tỷ trọng công nghiệp trong GDP tiếp tục chuyển dịch tăng dần và thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế quốc dân, đạt ước khoảng 34,4% (nếu tính cả xây dựng, tỷ trọng ước khoảng 40%, cao nhất trong ba khu vực). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến lên khoảng 61,9%. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó khu vực kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 14,6% so với thực hiện năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007, nhập siêu giảm thấp hơn mục tiêu đề ra, ước đạt 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 27%, giảm so với năm 2007 (năm 2007 là 29,1%).
Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch và so với nhiều năm gần đây. Nhập siêu có xu hướng giảm dần. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều khắp các mặt hàng, các thị trường, đã phản ánh phần nào năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam từng bước được nâng lên; qui mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì ở mức cao; các mặt hàng xuất khẩu truyền thống vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, nhiều mặt hàng mới xuất hiện; cơ cấu hàng hoá xuất khẩu vẫn tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng xuất khẩu thô.
Kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Kim ngạch của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,87 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 55,4%, tăng 25,5% so với năm 2007; của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 28,02 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,6%, tăng 34,9%, so với năm 2007.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữ được ở mức cao do trong những tháng đầu năm dầu thô, than đá và nhiều mặt hàng nông sản gặp thuận lợi về giá và thị trường xuất khẩu; Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như gạo, nhân điều, khoáng sản.
Ngoài 10 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã thực hiện được từ năm 2007 (chủ yếu thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản) là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí, trong năm nay xuất hiện thêm 1 mặt hàng có khả năng đạt kim ngạch trên 1 tỷ là dây điện và cáp điện.
Sản phẩm tàu thuyền, sản phẩm từ gang thép, sản phẩm từ cao su có mức tăng trưởng cao so với năm 2007, là những mặt hàng có triển vọng tăng mạnh trong những năm tới.
Mức tăng trưởng của các khu vực thị trường có sự thay đổi, xuất khẩu sang thị trường Châu Phi tăng 95,7%; Châu Á tăng 37,8%; Châu Đại dương tăng 34,9%, nhưng tăng chậm lại đối với Châu Mỹ (21,9%); Châu Âu (26,3%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 79,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2007, trong đó doanh nghiệp có vốn trong nước nhập khẩu khoảng 51,5 tỷ USD, tăng 25,6% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu khoảng 28,5 tỷ USD, tăng 31%.
Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có trị giá tăng cao so với năm 2007 gồm: ôtô nguyên chiếc các loại tăng 78,9% (so với cuối năm 2007 và đầu năm 2008 thì đã giảm rất nhiều), linh kiện ôtô tăng 52,6%, thép tăng 22%, phôi thép tăng 42,9%, phân bón tăng 47%, xăng dầu tăng 41,2%...
Về thị trường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 75,6% và ngày càng tăng (năm 2007 chiếm 72,2%) trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường Châu Âu vẫn ở mức khiêm tốn chiếm 10,3%.
Nhập siêu cả năm 2008 ước là 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 27%, giảm so với năm 2007 (năm 2007 là 29,1%). So với mục tiêu ban đầu là 20 tỷ USD đã phấn đấu giảm được 3 tỷ USD nhập siêu.
Ở thị trường trong nước, công tác điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường được đánh giá là kịp thời, đặc biệt là đối với những mặt hàng trọng yếu, nhìn chung đã không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt giá” trầm trọng và kéo dài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 968 nghìn tỷ đồng, tăng 31,0% so với năm 2007. Công tác triển khai các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát khống chế tăng giá đã đạt được kết quả tích cực.
Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển. Thị trường miền núi, hải đảo vẫn được bảo đảm cung cấp các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa...
Năm 2009: Nhiều khó khăn đón đợi
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo khó khăn hơn năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ổn định. Nhiều nước đã công bố tình trạng suy thoái kinh tế. Xuất khẩu khó khăn hơn do kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu, làm giảm khả năng xuất khẩu của nước ta;
Ở trong nước nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thách thức. Một số cân đối vĩ mô còn tiềm ẩn sự chưa ổn định, sức cạnh tranh cả 3 cấp độ còn yếu, ảnh hưởng lạm phát năm 2008 còn kéo dài đối với các doanh nghiệp, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Năm 2009, Ngành Công Thương phấn đấu thực hiện tốt nhất Nghị quyết 23/2008/QH12 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 là ”Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010” và các nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 về ”Những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Theo đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2009 đề ra khoảng 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,0% so với năm 2008. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 9% so với thực hiện năm 2008 (công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%); Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 71,084 tỉ USD, tăng 13% so với thực hiện năm 2008; Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá là 90,3 tỷ USD, tăng 13%. Nhập siêu hàng hoá năm 2009 khoảng 19,2 tỷ USD, bằng 27% so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ khoảng 1210 nghìn tỷ đồng, tăng 25,13% so với ước thực hiện năm 2008.
Bên cạnh đó, ngành cũng bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Quốc hội khóa XII thông qua.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước kết quả Ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2008 vừa qua, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu chung của đất nước. Ngành Công Thương đã rất nỗ lực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm thấp hơn mục tiêu đề ra, ước đạt 17 tỷ USD (dự kiến 20 tỷ USD). Thị trường trong nước giữ được sự bình ổn và tăng trưởng, các mặt hàng chủ yếu được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt giá" trầm trọng và kéo dài. Sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng trưởng tương đối khá, tuy có thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng là một sự cố gắng lớn của ngành,góp phần tăng trưởng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng nhận định, năm 2009 tình hình kinh tế - xã hội cả nước sẽ khó khăn hơn, do vậy Ngành Công Thương cần bám sát, thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo, Ngành cần quán triệt nhiệm vụ trên và cụ thể hóa bằng công việc. Với vai trò quản lý, Bộ cần cụ thể hóa thể chế, cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo khuôn khổ luật pháp. Ở lĩnh vực xuất khẩu, do trong năm 2009, tình hình sẽ rất khó khăn, do vậy, ngành Công Thương cần chú trọng vào thị trường trong nước để không ảnh hưởng đến “đầu ra” của sản phẩm. Về vĩ mô, Chính phủ sẽ hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp; cho các doanh nghiệp chậm nộp thuế (mỗi tháng tước tính từ 15 – 15 nghìn tỷ đồng); bảo lãnh cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát những khó khăn của doanh nghiệp và ngành để kiến nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục kịp thời; ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao đổi với báo giới về những định hướng phát triển của ngành trong năm 2009. - Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong năm 2009? - Năm 2009, thực hiện nhiệm của cả nước, ngành Công Thương có ba nhiệm vụ chính. Một là phải tìm mọi cách thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo cung cầu cho đời sống nhân dân, nhu cầu thiết yếu cho sản xuất trong nước. Thứ hai là đẩy mạnh xuất khẩu, không thế để khó khăn năm 2009 tác động quá nhiều vào tình hình xuất khẩu, vì nếu xuất khẩu giảm sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của cả nước. Thứ ba, tiếp tục, coi trọng ổn định, phát triển thị trường trong nước, và thêm nữa là tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. - Có ý kiến cho rằng năm 2009, để đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 5% đã là rất khó? - Có một số tính toán như vậy và không phải là không có cơ sở. Theo dự báo, việc tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 là cực kỳ khó khăn, tăng được 1% cũng khó, chưa nói là tăng nhiều. Tuy nhiên, cần phấn đấu và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương sẽ phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2009, bằng các biện pháp của Chính phủ đã cho phép, sự năng động, linh hoạt của doanh nghiệp, các hội ngành nghề, phối hợp với các địa phương. - Thưa Bộ trưởng, với ngành công nghiệp, định hướng của ngành Công Thương trong năm 2009 như thế nào? - Định hướng của ngành Công Thương là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đưa sớm các công trình vào sản xuất, ví dụ như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một số nhà máy điện, Nhà máy phân bón DAP ở Hải Phòng…; đưa nhanh vào để tăng năng lực sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp chung. Cái thứ hai là định hướng phát triển các dự án, công trình, các nhà máy sản xuất mặt hàng thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu. Thứ ba, đặc biệt quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ. Đó là một khâu yếu của chúng ta và ngành Công Thương sẽ có những biện pháp cụ thể hơn trong năm 2009; thực hiện những ưu đãi mà Nhà nước dành cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm, dự án của ngành điện tử, chế tạo máy. Ngành công nghiệp năm 2009 tuy khó khăn nhưng cũng có một số thuận lợi. Đó là, nhiều cơ sở sản xuất mới sẽ đi vào hoạt động và sẽ phát huy tác dụng ngay trong những tháng đầu năm 2009. Với tinh thần đó, tôi tin rằng chúng ta có nhiều khả năng khắc phục được những khó khăn, vượt qua thử thách trong năm 2009, hoàn thành thắng lợi mục tiêu của Quốc hội giao cho ngành Công Thương. - Cảm ơn Bộ trưởng.
(Theo báo điện tử Hà Nội mới)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com