Trong câu chuyện về sức hấp dẫn của Việt Nam được bàn thảo tại Tọa đàm "Môi trường kinh doanh năm 2009: Phân tích và dự báo", Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nhận định: Việc Việt Nam có thể thu hút tốt đầu tư trong bối cảnh vốn thế giới đang thừa nhưng niềm tin bị khủng hoảng hay không phụ thuộc khá lớn vào đánh giá của cộng đồng thế giới đối với môi trường thể chế Việt Nam cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện những khiếm khuyết về thể chế.
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh của WB qua các năm, mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng 91/178 năm và năm 2009, chúng ta đứng thứ 92/181. Nhìn nhận qua mấy năm trước đó, có thể nhận thấy Việt Nam chưa vượt khỏi ngưỡng trung bình. Còn theo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới Việt Nam liên tục bị tụt hạng từ 2006 - 2008.
Nút thắt tự thân
Hàng năm, VCCI cũng có đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh trong nước qua chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh ở các địa phương (PCI). Trong 2 năm qua, với sự tham gia của hơn 7.000 DN, cộng đồng DN trong nước có đánh giá lạc quan hơn bên ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ số này mới ở mức độ trung bình hoặc dưới trung bình. Vướng mắc của DN tập trung ở các vấn đề được coi là 3 nút thắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam: giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Theo một nghiên cứu của Jetro, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất rườm rà. Tổ chức này nhận định: Nếu Việt Nam cắt giảm được 40% các thủ tục hành chính thì có thể tiết kiệm được 13 - 30 nghìn tỷ/năm (khoảng 800 - 1.800 tỷ USD/năm). Tuy con số này chưa được kiểm chứng nhưng nó phản ánh suy nghĩ của cộng đồng thế giới về môi trường thể chế Việt Nam. Trong 2 năm 2007 - 2008, khi điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, VCCI có hỏi các DN về những khó khăn lớn mà DN thường gặp. Câu trả lời tập trung ở những vấn đề muôn thuở: vốn; về đào tạo lao động việc làm; cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính; đất đai... Tôi nghĩ rằng năm 2008, nếu tổng kết thì cũng là vấn đề đó.
Một khảo sát của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho thấy: Tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. Nếu cộng thêm thời gian thi công khoảng 5 - 7 năm nữa thì một dự án nhóm A có thể mất hơn 10 năm mới hoàn thành. Như vậy: với trên 13.000 dự án sử dụng vốn ngân sách, mỗi năm có 50.000 - 70.000 tỷ đồng không giải ngân, gây lãng phí rất lớn.
Kết quả nghiên cứu mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho thấy: 33 là số thủ tục cho 1 dự án; 3 là số năm chuẩn bị trung bình cho 1 dự án; 8 là số thủ tục vượt thẩm quyền mà các địa phương đặt ra. Và theo ý kiến của bộ này, có thể rút gọn từ 33 xuống chỉ còn 8 thủ tục. Cũng có một nghiên cứu khác đưa ra kiến nghị rút từ 11 thủ tục đất đai xuống còn 3 thủ tục.
Năm 2007 phát sinh một số vấn đề. Thứ nhất, tính dự báo, mức độ thông tin và tính minh bạch của thông tin đó đối với cộng đồng DN rất ít, việc DN tham gia cùng Chính phủ ở cả trung ương và địa phương chưa nhiều. Thứ hai, tính điều hành toàn diện và bền vững chưa có. Thứ ba, về cơ cấu đầu tư, đầu tư cho các DNNN và đầu tư cho khối dân doanh đang còn những nhận thức rất khác nhau trong xã hội và sự không rõ ràng trong chính sách. Thứ tư, vấn đề quy hoạch không rõ ràng, nhất là sau khi phân cấp đầu tư, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch, nhiều địa phương đua nhau thu hút đầu tư dẫn đến việc phải trả giá về môi trường.
Một câu hỏi lớn đặt ra: liệu các vấn đề đặt ra ở trên có phải “mãn tính”, và chúng ta phải làm gì? Câu trả lời lạc quan cho Việt Nam lúc này là chúng ta có thể cải thiện được các vấn đề trên nếu có quyết tâm chính trị cao.
Giải pháp tháo gỡ
Theo đó, chúng tôi đề xuất một số việc cần làm nhằm cải thiện môi trường thể chế. Thứ nhất, về phía Quốc hội, chúng tôi đề xuất cần nâng cao tính chuyên nghiệp hơn. Thứ hai, chúng ta phải cố gắng đưa ra một luật để sửa đổi nhiều điều luật. Hiện nay, có 5 luật mà DN phản ánh là chống chéo, vướng mắc (Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Xây dựng) và DN mong muốn liên kết tất cả các luật đó lại, làm 1 luật sửa nhiều luật theo Luật Ban hành quy phạm pháp luật. Những động thái như vậy chắc chắn sẽ đưa ra những tín hiệu rất tốt, thể hiện rõ quyết tâm của Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp và lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN. Đồng thời, tính chuyên nghiệp của Quốc hội cũng có thể giúp Chính phủ trong việc giải trình các vấn để. Tăng cường giám sát, chất vấn của UBTVQH về công tác điều hành Chính phủ cũng cần trở thành công việc thường xuyên của Quốc hội. Có như vậy thì thông tin mới minh bạch được, và cộng đồng mới được hưởng lợi từ những thông tin đó để ra được những quyết định.
Về phía Chính phủ, chúng tôi đề nghị Chính phủ tăng cường đối thoại ở các cấp bộ ngành với cộng đồng DN. Cụ thể, bắt đầu từ năm 2009, Chính phủ cần tăng cường đối thoại cấp bộ, ngành: 6 tháng/lần và cấp chính quyền địa phương: 6 tháng/lần, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN với tư cách là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các chính sách, quyết định để các chính sách đó thực sự bắt nguồn từ thực tiễn, phù hợp với thực tiễn. Chính phủ cần tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước vĩ mô, xây dựng chính sách và công tác dự báo kết hợp chặt chẽ với việc lấy ý kiến phản biện của cộng đồng DN, các chuyên gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân định rạch ròi chức năng quản lý và chức năng kinh doanh. Có hai phương án: Thành lập Cty quản lý vốn nhà nước (đã làm nhưng chưa hiệu quả) và thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ đứng ra quản lý vốn nhà nước (sớm ban hành Luật kinh doanh vốn nhà nước).
Về phía cộng đồng DN, cần xắn tay cùng Chính phủ, hiến kế cho Chính phủ để giải quyết kịp thời các khó khăn mới phát sinh. Nếu có trí tuệ của DN cùng góp ý trước khi các quyết sách của Chính phủ ban hành, với cả trách nhiệm giải trình của cơ quan Chính phủ trước Quốc hội, tính minh bạch, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện theo chiều hướng thuận lợi hơn, giảm thiểu sự lạm dụng của các nhóm lợi ích.
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ có khả năng miễn dịch tốt trước các căn bệnh, khi thuận lợi có thể khai thác được các cơ hội tốt hơn. Cơ thể khỏe mạnh có thể không phải là cơ thể lớn. Nền kinh tế Việt Nam không phải là cơ thể lớn nhưng nếu là một cơ thể khỏe mạnh thì tôi tin rằng chúng ta có đủ khả năng vượt qua những thách thức này.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com