Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều chỉnh viện phí không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo

Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo điều chỉnh khung giá viện phí của các dịch vụ kỹ thuật đã được ban hành từ năm 1995 cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Thiết bị kỹ thuật cao đòi hỏi kinh phí lớn là một trong những nguyên nhân cần tăng viện phí

Khoảng 350 dịch vụ (12%) trong tổng số khoảng 3.000 dịch vụ kỹ thuật y tế các bệnh viện đang thực hiện nằm trong diện điều chỉnh lần này.

Để đảm bảo các hoạt động dịch vụ y tế

Bộ Y tế cho biết, khung giá một phần viện phí sửa đổi lần này chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp và các chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị và thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế.

Các khoản đã được ngân sách nhà nước chi thì không tính và thu viện phí, do vậy, viện phí chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (nên không phải điều chỉnh viện phí để tăng thu nhập cho cán bộ y tế, lấy nguồn thu này để xây dựng, mở rộng bệnh viện).

 Mức thu khám bệnh nhằm đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của phòng khám, khoa khám bệnh như chi phí về điện, nước, các loại vật tư tiêu hao, dụng cụ phục vụ công tác khám bệnh, chẩn đoán và chi phí duy tu, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chẩn đoán tại phòng khám, khoa khám bệnh.

 Mức thu ngày giường điều trị nội trú, điều trị ban ngày để chi trả chi phí cần thiết để chăm sóc người bệnh như chi phí về điện, nước, nhiên liệu; chăn, ga, gối, đệm; bàn, ghế, giường, tủ; vệ sinh; xử lý chất thải;

Tương tự, mức thu của các dịch vụ, kỹ thuật y tế được xây dựng trên cơ sở các chi phí cần thiết để thực hiện từng dịch vụ, kỹ thuật y tế, bao gồm chi phí về thuốc, máu, dịch truyền; vật tư để thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế;  điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh, xử lý chất thải và các chi phí hậu cần khác; duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kể cả chi mua vật tư thay thế đối với các trang thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế.

Riêng đối với một số loại vật tư tiêu hao, vật tư thay thế có giá trị lớn, từng người bệnh sử dụng khác nhau có thể tính ngoài mức thu của dịch vụ, kỹ thuật y tế và được thu theo thực tế sử dụng của người bệnh.

Theo dự thảo, có khoảng 220 dịch vụ sử dụng ít vật tư, hóa chất, điện, nước mà chủ yếu là do công sức của cán bộ y tế thực hiện thì có mức tăng rất thấp, tối đa chỉ tương đương với mức trượt giá hiện nay (tối đa 2,5 lần), ví dụ các dịch vụ về y học dân tộc, châm cứu,..

Có khoảng 60 dịch vụ dự kiến mức tăng tối đa từ 2,5-5 lần; khoảng 70 dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hóa chất, điện, nước thì mức tăng tối đa khoảng 7 đến 10 lần so với hiện nay vì mức cũ quy định là thu một phần, có dịch vụ chỉ bằng 20-30% tổng các chi phí tại thời điểm năm 1995 (tại thời điểm đó, ngân sách cấp ngoài trả lương còn có thể chi cho tiền điện, nước, mua vật tư, hóa chất nên các bệnh viện vẫn hoạt động được), đến nay phải tính các chi phí trực tiếp thì khung giá sẽ tăng.

Ví dụ như cắt amidan, mức giá cũ từ 20.000- 40.000 đồng. Do trước đây sử dụng kỹ thuật đơn giản, dễ có khả năng gây tai biến cho người bệnh nên hiện nay hầu hết các bệnh viện không còn sử dụng phương pháp này nữa mà sử dụng phương pháp gây mê. Với phương pháp này, chỉ tính riêng tiền thuốc mê đã khoảng 220.000 đ/ca. Ngoài ra còn tiền bông, băng, thuốc sát trùng, kháng sinh... và các chi phí vật tư tiêu hao trực tiếp đã vào khoảng 330-450.000 đồng/ca. Ngoài ra nếu sử dụng dao siêu âm Coblator với giá 150 USD/lưỡi dao (mỗi lưỡi dao chỉ sử dụng cho 1-5 bệnh nhân) thì chi phí còn cao hơn rất nhiều.

 Một số xét nghiệm như xét nghiệm hồng cầu lưới, mức giá cũ từ 4.000-12.000 đồng, hiện nay sử dụng máy đếm laser, chi phí trực tiếp hết khoảng 59.000 đồng, riêng hóa chất đã hết 45.000 đồng,...

Riêng đối với tiền khám bệnh, tiền ngày giường điều trị có mức tăng cao hơn vì các lý do sau đây:

Tiền khám bệnh,theo quy định trước đây chỉ từ 500 - 3.000 đồng/lần khám, không đủ mua găng tay, khẩu trang.

Bộ dự kiến điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám (tăng 10 lần) vì theo tính toán với giá điện, nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay thì chi phí hết khoảng 10.000-30.000 đồng/lần khám, tùy chuyên khoa và hạng bệnh viện, nên đề xuất giá tối đa là 30.000 đồng, tuy nhiên tuyến huyện, xã thấp hơn, chỉ khoảng 10-15.000 đồng. Đồng thời sẽ quy định cụ thể về định mức khám bệnh cho một phòng khám hoặc 1 bác sĩ khám để bảo đảm chất lượng khám.

Tiền ngày giường điều trị dự kiến điều chỉnh từ 10.000 đồng đối với trạm y tế xã đến tối đa là 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa thì mới có thể bù đắp được các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, ga, gối, đệm, bông băng, cồn gạc, vệ sinh, xử lý chất thải...., Khung giá dự kiến tăng cao nhất là ngày giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể là 150.000 đồng (tăng khoảng 8 lần) do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hòa 24/24h, có chạy máy thở, monitor...

Người nghèo có BHYT chỉ phải đóng 5% chi phí

Việc điều chỉnh khung viện phí lần này, theo Bộ, sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh (nếu tiếp tục thu theo giá thấp như hiện nay thì sẽ có tình trạng bao cấp ngược, nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, trong khi hầu hết các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo đã và đang được nhà nước bảo đảm thông qua chính sách BHYT).

Do nhiều người bệnh có khả năng chi trả viện phí phải trả đủ viện phí cho bệnh viện nên huy động được sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong khám chữa bệnh, dành ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người cận nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT với mức hỗ trợ cao hơn.

Bên cạnh đó, các bệnh viện có thêm kinh phí để triển khai các hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn.

Bộ cũng khẳng định, việc điều chỉnh lần này không làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả, bởi khi đi khám, chữa bệnh đối tượng này được Quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí và tiền vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến điều trị từ tuyến huyện, chỉ còn phải đóng 5% chi phí. Do vậy, người nghèo, dân tộc thiểu số hầu như không chịu nhiều tác động từ  đợt điều chỉnh lần này.

(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi