Để khẳng định GDĐH Việt Nam sẽ đi đúng quy luật phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, GS-TS, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có bài viết quan trọng về GDĐH Việt Nam trong hiện tại và giai đoạn sắp tới.
Những ngày qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, trong khi phần lớn các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự đóng góp to lớn của giáo dục đại học (GDĐH) trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, thì vẫn còn một số ý kiến lo lắng về chất lượng và tương lai của GDĐH Việt Nam.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một lớp học tại Kiên Giang. Ảnh: Chinhphu.vn/Từ Lương |
Giáo dục đại học phải tuân thủ quy luật phát triển khách quan
Lịch sử đã chứng minh khi chúng ta muốn làm một điều gì đó mà bằng nhiều biện pháp, qua nhiều năm vẫn không đạt kết quả thì có nghĩa là chúng ta chưa làm theo đúng các quy luật phát triển khách quan của sự vật.
Sau năm 1975, chúng ta phát triển đất nước trên cơ sở cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp. Mặc dù khẩu hiệu “Năng suất, chất lượng và hiệu quả” đã được đề ra từ đầu, song thực tế năng suất, chất lượng và hiệu quả đều thấp.
Sau 10 năm đất nước rơi vào khủng hoảng, năm 1986 Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tìm ra lời giải để chấm dứt khủng hoảng, phát triển nhanh đất nước. Đó là chấm dứt vận hành nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm 1987, quy mô nền kinh tế, năng suất lao động nước ta chưa tăng là bao so với năm 1986 song người dân, đảng viên rất phấn khởi vì đường lối Đổi Mới đã rõ, mọi người tin rằng tương lai của mình, gia đình mình, địa phương mình sẽ rất khác.
Thực tế 24 năm đổi mới vừa qua đã chứng minh niềm tin của nhân dân, của đảng viên ở giai đoạn khó khăn đó của đất nước là đúng đắn. Không thể có sự thay đổi nhanh, đột ngột về kết quả sản xuất, về hiệu quả kinh tế, song với một cuộc cách mạng về nhận thức, về cách chúng ta vận hành nền kinh tế và quản lý toàn xã hội, sự đổi mới sẽ diễn ra, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư sẽ tăng ngày càng nhanh hơn.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Song trong chừng mực nhất định, vấn đề chất lượng GDĐH của chúng ta hiện nay gần giống như vấn đề năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế thời kỳ 1986-1987.
Đã hàng chục năm nay, chúng ta đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng GDĐH song không có sự chuyển biến là bao, nhiều yếu kém khác của GDĐH tiếp tục tồn tại khá bền vững. Vậy nguyên nhân ở đâu, phải chăng vì chúng ta đầu tư không đủ kinh phí cho GDĐH?
Tháng 8/2008, tại Hội nghị tổng kết việc xây dựng và hoạt động của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thành lập từ năm 1998 - 2008, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tôi đã phát biểu: Mặc dù chúng ta rất trân trọng những kết quả đã đạt được, trân trọng sự đóng góp của GDĐH cho phát triển đất nước, song chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng không thể tiếp tục quản lý các trường ĐH, CĐ như thời gian vừa qua, đó là gia tăng về quy mô, số lượng nhưng buông lỏng quản lý chất lượng.
Tại Hội nghị tháng 8/2008, lãnh đạo Bộ khẳng định hai điều: Chúng ta không thể tiếp tục quản lý đại học như thời gian qua và nguyên nhân của tình hình trì trệ về chất lượng và quản lý là sự vi phạm các quy luật chi phối phát triển GDĐH. Chính vì chúng ta đã có nhiều việc làm không đúng quy luật bên cạnh những việc đã làm đúng nên tình hình mới như vừa qua. Thế nhưng lãnh đạo Bộ chưa thể chỉ rõ một cách đầy đủ: Chúng ta đã vi phạm các quy luật gì, cụ thể thế nào?
Hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ đổi mới quản lý GDĐH
Trong suốt 1 năm sau đó, qua nghiên cứu thực tiễn các ĐH ở nước ta, qua thảo luận nghiêm túc trong lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã xác định: Hoạt động của hệ thống giáo dục chịu sự chi phối không chỉ của các quy luật và nguyên tắc sư phạm mà còn bởi 4 loại quy luật, nguyên tắc khác, đó là: Các quy luật, nguyên tắc quản lý hệ thống xã hội; quy luật hài hoà lợi ích trong xã hội; các quy luật và nguyên tắc của kinh tế thị trường và các quy luật, nguyên tắc của hoạt động khoa học và công nghệ.
Phân tích sâu hơn hoạt động của hệ thống GDĐH thời gian qua đã chỉ rõ: Chúng ta đã có sự vi phạm tất cả 5 loại quy luật và nguyên tắc nói trên và nếu chúng ta khắc phục các yếu kém về sư phạm, làm trái quy luật về sư phạm mà không khắc phục việc làm trái quy luật về quản lý hệ thống xã hội, quy luật hài hoà lợi ích, quy luật kinh tế thị trường thì các nỗ lực để làm đúng quy luật về sư phạm cũng sẽ bị rất hạn chế tác dụng, thậm chí vô hiệu hoá.
Khó khăn lớn nhất cho một năm trời thiết kế giải pháp cho đổi mới GDĐH là chúng tôi, các nhà quản lý giáo dục, tuyệt đại đa số được đào tạo về sư phạm và làm nghề dạy học chứ không được đào tạo bài bản, có hệ thống về quản lý hệ thống giáo dục. Tức là trong 5 loại quy luật và quy tắc chi phối hoạt động hệ thống giáo dục, chúng tôi được đào tạo hoặc có kinh nghiệm chủ yếu chỉ về các quy luật, quy tắc sư phạm.
Tuy nhiên, trên định hướng căn bản: Bám sát thực tiễn, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các quy luật chi phối hệ thống giáo dục, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã từng bước nhận thức rõ hơn các nội dung vi phạm quy luật và đề xuất giải pháp khắc phục.
![]() |
Trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, một trong những ngôi trường tiêu biểu trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực". Ảnh: Sở GDĐT Tuyên Quang |
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 khối các trường ĐH, CĐ, Bộ GD ĐT đã xác định: Năm học 2009-2010 có thể và phải là một năm học khởi đầu cho quá trình đổi mới về chất quản lý GDĐH có tính đột phá trong khoảng 3 năm tới. Chủ đề năm học 2009-2010 là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đồng thời, Bộ GDĐT đã xác định 5 yêu cầu của quá trình đổi mới này.
Ngày 5/1/2010, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã ra Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012; ngày 11/1/2010, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của Bộ GDĐT thực hiện Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ, bao gồm 11 nhóm giải pháp. Ngày 27/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 296/CT-TTg về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012, xác định nhiệm vụ của các Bộ và Chủ tịch UBND các địa phương. Riêng Bộ GDĐT có trách nhiệm triển khai 12 giải pháp trong thời gian 3 năm tới.
Như vậy, có thể nói, sau một năm rưỡi kể từ Hội nghị đánh giá hoạt động của các đại học thành lập trong 10 năm (1998-2008), nhận thức của lãnh đạo Bộ GDĐT và cán bộ chủ chốt các trường ĐH, CĐ đã có bước phát triển quan trọng, đã hình thành một hệ thống các giải pháp đồng bộ để tạo động lực cho quá trình đổi mới quản lý GDĐH ở cấp Trung ương, các địa phương và tại mỗi trường ĐH, CĐ.
Cần thay đổi nếp nghĩ về chất lượng đào tạo
Giải pháp đầu tiên trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ của Bộ GDĐT và trong Chương trình hành động của Bộ GDĐT về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012 là tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong toàn ngành và toàn xã hội vấn đề “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay?”.
Chất lượng đào tạo thực chất là sự phù hợp của năng lực, phẩm chất người tốt nghiệp so với nhu cầu của người sử dụng lao động. Do đó, chất lượng người tốt nghiệp là điều kiện quan trọng nhất để người lao động làm việc có hiệu quả, có thu nhập cao, đóng góp tốt cho phát triển kinh tế- xã hội.
Vì lợi ích của chính mình, sinh viên không chỉ là người hưởng thụ dịch vụ đào tạo ở nhà trường mà phải nỗ lực học tập, rèn luyện, nghiên cứu, là đồng tác giả trực tiếp của chất lượng đào tạo, đồng thời hoàn toàn có khả năng đánh giá, giám sát các yếu tố bảo đảm chất lượng ở nhà trường là như thế nào (số lượng và chất lượng giáo viên, hệ thống giáo trình, thư viện, hệ thống thiết bị thí nghiệm, phương pháp tổ chức dạy học và kiểm tra…). Như vậy, nếu ở các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo viên hạn chế kéo dài, thiếu giáo trình, việc tổ chức dạy học chưa hợp lý… mà sinh viên không có ý kiến một cách phù hợp, đủ mạnh với nhà trường thì việc khắc phục các yếu kém nói trên sẽ thiếu động lực.
Chất lượng đào tạo của người tốt nghiệp là tiền đề trực tiếp để người sử dụng lao động tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ có hiệu quả cao, tăng thu nhập cho mình. Tuy nhiên, nhu cầu kỹ năng, trình độ đối với người lao động ở các địa phương, ngành nghề khác nhau là khác nhau. Nếu doanh nghiệp không có ý thức giúp cho các ĐH, CĐ hiểu đúng nhu cầu của mình với sinh viên ra trường thì nhà trường không thể đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, vì lợi ích của mình, doanh nghiệp cần hỗ trợ, tham gia vào việc đào tạo của các ĐH một cách phù hợp. Từ nhận sinh viên về thực tập, tham gia dạy chuyên đề ở nhà trường, hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp, thông báo cho nhà trường về nhu cầu kiến thức, kỹ năng ở người tốt nghiệp… để nhà trường có điều kiện thiết kế và triển khai chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Giáo viên là người trực tiếp thực hiện việc dạy và học, có trách nhiệm to lớn trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó giáo viên phải được tạo điều kiện và có trách nhiệm tự nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mặt khác, giáo viên là người có đủ thông tin và thực tiễn để đánh giá hoạt động của toàn trường và đặc biệt là của lãnh đạo trường. Nếu lãnh đạo một trường không tuân thủ các quy chế hoạt động của trường, quy chế đào tạo, quy chế tài chính thì hàng trăm giáo viên ở trường đều biết và có trách nhiệm yêu cầu lãnh đạo trường phải làm đúng các quy chế, quy định, từ đó góp phần quan trọng bảo đảm chất lượng đào tạo.
Như vậy, khi Bộ GDĐT đã ban hành đủ các quy chế liên quan đến hoạt động của trường, đến đào tạo, đánh giá chất lượng, tài chính, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tuyển dụng lao động thì việc giám sát nhanh nhất, hiệu quả nhất về chất lượng đào tạo chính là ở cơ sở: Sự giám sát và nhắc nhở của hàng ngàn sinh viên, hàng trăm giáo viên tại trường cùng với sự giám sát của chính quyền địa phương, chứ không phải chủ yếu là qua sự kiểm tra của Bộ GDĐT.
Có thể nói, từ nay chúng ta phải thay đổi nếp nghĩ, thói quen về trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo ở trường ĐH, CĐ.
Với hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước hiện nay, nếu mỗi tuần Bộ GDĐT tổ chức kiểm tra 2 trường ĐH, CĐ thì phải mất 4 năm mới kiểm tra hết một vòng. Để bảo đảm chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ, Bộ GD ĐT cần ban hành đủ các chuẩn đầu vào hoạt động của cơ sở giáo dục (tỷ lệ sinh viên/giáo viên, trình độ giáo viên, diện tích xây dựng/sinh viên; chuẩn thư viện…); chuẩn quản lý ở các cơ sở giáo dục (quy chế đào tạo, quy chế tuyển sinh, quy chế giáo trình, quy chế quản lý chất lượng, quy chế tài chính, quy chế tuyển dụng, quy chế hợp tác quốc tế, quy chế nghiên cứu khoa học…), trên cơ sở đó, các trường hoàn toàn tự chủ hoạt động mà không phải xin-cho; phối hợp với UBND cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm giám sát hoạt động của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, thanh tra và giải quyết ý kiến của các cơ sở giáo dục, các địa phương; cấp phép và đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng chuyên nghiệp, độc lập.
Tóm lại, trên cơ sở Bộ GDĐT thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của mình về đảm bảo chất lượng, thì chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục suy cho cùng là do sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, bao gồm cả Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên và tập thể sinh viên của trường, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và giám sát của xã hội, của chính quyền địa phương.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm bếp ăn tập thể của Trường phổ thông Dân tộc nội trú Đồng Văn, Hà Giang, tháng 9/2009. Ảnh: Chinhphu.vn/Từ Lương |
Tiền đề tạo sự thay đổi căn bản trong giáo dục đại học
Việc thực hiện Chương trình hành động đổi mới quản lý GDĐH 2010 – 2012 gồm 12 nhóm giải pháp và 60 nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì của cả hệ thống giáo dục. Sẽ phải vượt qua một số tập quán tâm lý đã thành nếp. Ví dụ, Bộ GDĐT đang xây dựng một thông tư quy định việc các Sở GDĐT, các trường ĐH,CĐ cả nước hàng năm tham gia đánh giá công tác lãnh đạo của Bộ GDĐT và chỉ đạo các Vụ, Cục của Bộ. Cần phải xây dựng, bổ sung một cơ chế chính thức đảm bảo sự giám sát của giáo viên và đại diện sinh viên đối với sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu các trường ĐH. Nhưng khi đã xác định được các giải pháp lớn hợp quy luật phát triển của hệ thống GDĐH, chính hàng vạn thầy cô giáo, hàng triệu sinh viên sẽ là người sáng tạo và tác giả của quá trình đổi mới này.
Đây không phải là lần đầu ngành Giáo dục đứng trước các thách thức tưởng chừng không vượt qua nổi. Năm 2006, kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều tiêu cực công khai, có nơi náo loạn cả trường thi, tỉ lệ tốt nghiệp tới 94%, nhưng nhiều người cho rằng không thật. Tỷ lệ học sinh bỏ học cao, có xu hướng gia tăng. Dạy thêm, học thêm gây bức xúc xã hội. Tình trạng ngồi nhầm lớp ngày càng nghiêm trọng, đạo đức nhà giáo có biểu hiện sa sút. Đạo đức học sinh, nhất là sự tiếp nối truyền thống văn hoá dân tộc của một bộ phận học sinh làm xã hội lo lắng.
Với Cuộc vận động “Hai không” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông trong 4 năm 2006 – 2010, đến nay tình hình đã có chuyển biến căn bản.
Tiêu cực trong thi cử, đặc biệt trong thi tốt nghiệp THPT đã giảm hẳn, không còn là bức xúc xã hội. Tại kỳ thi 2007 (thi nghiêm túc) có 2.612 thí sinh bị đình chỉ thi, năm 2010 chỉ còn 90, so với năm 2007 đã giảm gần 97%. Số giám thị bị đình chỉ thi giảm từ 32 xuống còn 1, giảm 97%. Tai nạn giao thông giảm từ 85 vụ còn 54 vụ. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm: năm 2007, bình quân 100 học sinh có 1 em bỏ học, năm 2009 chỉ còn 0,5 em. Chất lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông tăng: năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp THPT là 66,7%, năm 2008 là 76%, năm 2009 là 83,8%, năm 2010 dự báo khoảng 90%.
Vi phạm đạo đức nhà giáo giảm: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, bằng 12% của năm 2007. Thông qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chỉ sau 2 năm, hơn 8.000 nhà vệ sinh đã được xây mới, nâng tỷ lệ trường có nhà vệ sinh đạt gần 97%; hơn 5.400 di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, 7.000 đền đài, nghĩa trang liệt sĩ được các trường phổ thông cả nước nhận chăm sóc và phát huy giá trị; 15.900 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh, liệt sĩ được các trường nhận chăm sóc, phụng dưỡng; gần 100% các trường phổ thông được kết nối internet và sử dụng miễn phí.
Với kinh nghiệm đã thu được qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Hai không”, Bộ GDĐT tin rằng sau 3 năm thực hiện đổi mới quản lý GDĐH theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cách mà Bộ GDĐT cùng các bộ, ngành quản lý các trường ĐH, CĐ sẽ thay đổi căn bản, cách mà các trường tự quản lý và tự chịu trách nhiệm, cách mà các địa phương hỗ trợ đào tạo, cách mà xã hội giám sát và hỗ trợ đào tạo ĐH sẽ thay đổi.
Đây là các tiền đề cơ bản, quan trọng nhất để chất lượng GDĐH được nâng cao thực sự trong thời kỳ 2010 – 2020.
GS -TS Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ
(Theo Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com