![]() |
Dự án cấp nước ở Kiên Giang được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc |
Các nhà tài trợ cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam vừa diễn ra tại Kiên Giang. Nhưng các đối tác quốc tế cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách sâu rộng hơn để nguồn vốn tài trợ được sử dụng hiệu quả nhằm thực hiện được mục tiêu Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và Kế hoạch phát triển 5 năm đã đề ra.
Những vấn đề cần ưu tiên
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng toàn cầu và thành công hơn nhiều nước khác, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP cao, mức lạm phát trong ngưỡng chấp nhận được. Kết quả đó là do Chính phủ đã có những ứng phó kịp thời với những biến động kinh tế. Từ đầu năm 2010 đến nay, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách tích cực nhằm cân bằng cán cân thương mại và ngân sách.
Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam cần sớm ưu tiên giải quyết những bất cập nội tại để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai, trong đó quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Cần phải nói thêm rằng, chính việc chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về thực hiện ngân sách, mức nợ công và nguồn lực dành để tài trợ thâm hụt ngân sách đã làm tăng thêm nỗi lo của các nhà đầu tư và thị trường về sự ổn định của kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo ông Ayumi Konishi - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, điều này không những gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam mà còn làm cho những đánh giá này có thể không sát với thực tế do các nhà phân tích phải phỏng đoán những số liệu này. Việc thiếu thông tin về dự trữ ngoại hối cũng gây nên nỗi lo ngại về tính bền vững của chính sách tỷ giá.
Các đối tác phát triển và Chính phủ đã thảo luận 3 vấn đề chủ chốt liên quan tới kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế khi Việt nam tiến tới nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. Theo ông Monotori Tsuno -Trưởng đại diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Việt Nam cần nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, các đối tác phát triển nhấn mạnh, nhà nước cần tiếp tục cải cách và đổi mới hơn nữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế. “Sự tách bạch rõ quyền sở hữu và các chức năng kiểm soát của nhà nước, cũng như củng cố quản trị doanh nghiệp trong những thể chế này là những vấn đề mà các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam sớm thực hiện” - ông Tsuno nói.
Vấn đề thứ ba mà các đối tác phát triển đề cập tới là nhu cầu phải có nguồn tài chính ổn định để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hinh thức hợp tác Nhà nước – Tư nhân (PPP) phát triển.
Và những thách thức mới
Các nhà tài trợ cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế như kế hoạch 5 năm đặt ra và định hướng phát triển đến năm 2020, Việt Nam cần lồng ghép những kế hoạch phát triển với những chương trình hành động khác nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu chẳng hạn sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam, cần sớm có những biện pháp đối phó. Thời tiết khắc nghiệt hơn và nước biển dâng cao, sẽ tạo ra các thách thức mới, nhất là đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Deanna Horton - Đại sứ Canada, quan tâm đến kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam ở khía cạnh giáo dục và phát triển kỹ năng. Mô hình tăng trưởng kinh tế chất lượng cao, bền vững cho Việt Nam đòi hỏi kỹ năng của người lao động cần phải được cải thiện hơn nữa. Vì vậy, theo bà Deanna Horton, Việt Nam cần chú trọng việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế theo nhu cầu, quản lý tốt hơn các thể chế giáo dục. Và quan trọng hơn, các cơ quan quản lý giáo dục cần sớm hình thành một hệ thống linh hoạt với các phương pháp giáo dục cập nhật hơn.
Vấn đề quan trọng nhất để Việt Nam hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, theo các nhà tài trợ quốc tế, vẫn là phòng chống tham nhũng. Đây vẫn là câu chuyện nóng bỏng nhất hiện nay. Tại hội nghị, ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển đã nhấn mạnh, các đối tác phát triển và Chính phủ đã thảo luận về tầm quan trọng và sự cần thiết của luật, nghị định và quy định trong việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Rolf Bergman cảnh báo “hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý cần đảm bảo rằng luật và nghị định có hiệu lực, được thực thi và xem xét một cách toàn diện trong công tác phòng chống tham nhũng, từ việc điều tra, truy tố cho đến xử phạt”. Ông cho rằng, nếu không thực hiện kịp thời, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam có thể sẽ xấu hơn.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc xử lý những rủi ro trong thành công phát triển của Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế. Liên quan tới vấn đề sử dụng vốn tài trợ, bà cho rằng, Việt Nam cũng cần sớm đưa ra những quy định mới để phát huy nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác. Cụ thể, việc sử dụng vốn thực hiện các dự án chưa có quy hoạch chung cho cả vùng, tỉnh nào cũng muốn có dự án riêng, gây lãng phí vốn và nguồn lực cho phát triển. Nếu quy hoạch tốt, một dự án thực hiện, nhiều tỉnh thành đều thụ hưởng lợi ích. Đây sẽ là điều tốt hơn nhiều.
Nguyên tắc định hướng chiến lược phát triển KTXH Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với các đối tác phát triển về những nguyên tắc định hướng cho Chiến lược phát triển KTXH và Kế hoạch phát triển 5 năm bao gồm “(i) Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược, (ii) Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, (iii) Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển, (iv) Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và (v) xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thủ tướng cũng nêu bật ba đột phá chiến lược chính mà Chính phủ sẽ tập trung trong thời gian tới là: cải thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Mục tiêu chiến lược 10 năm của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; là một trung tâm sản xuất, dịch vụ trong chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ của khu vực và toàn cầu. Quy mô kinh tế đến năm 2020 của Việt Nam khoảng 300 - 310 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.000 - 3.200 USD/năm. Để đạt mục tiêu này, mức phấn đấu tăng trưởng bình quân của Việt Nam mỗi năm khoảng 7% - 8%. |
(Theo Vĩnh An // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com