Trong những năm gần đây, ĐH Quốc gia TPHCM đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này và bước đầu đã gặt hái một số thành công
Trong hai ngày 17 và 18-6, tại khách sạn Majestic, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch. Tham dự có hơn 30 nhà khoa học nổi tiếng đến từ các nước và vùng lãnh thổ có ngành công nghệ vi mạch phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan
Theo GS Rino Choi (ĐH Inha- Hàn Quốc), trong 20 năm qua, ngành công nghiệp chủ đạo của Hàn Quốc thay đổi từ công nghiệp sợi sang công nghiệp ô tô và bây giờ là công nghiệp bán dẫn. Hiện nền công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đứng thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ và Nhật. Trong những năm đầu, Hàn Quốc chưa có điều kiện tự phát triển nên phải hợp tác với các công ty nước ngoài và bắt đầu thâm nhập thị trường lĩnh vực chế tạo chip vào những năm 1990. Đến năm 2000, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia số 1 trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ. Để phát triển ngành chế tạo chip, Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo kỹ sư có chất lượng. Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đóng góp cho GDP 2,9%vào đầu những năm 1990 và tăng lên 19,4% vào đầu những năm 2000.
Để phát triển ngành công nghệ bán dẫn, Đài Loan cũng chú tâm vào công tác đào tạo, hiện đã cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho thị trường Mỹ và tập trung sản xuất chip. Hiện nay, có 17 nhà máy sản xuất chip lớn nhất thế giới thì có 3 nhà máy đặt tại Đài Loan. Trong 25 công ty thiết kế IC thì 7 công ty có trụ sở chính đặt tại châu Á, trong đó 6 công ty đặt tại Đài Loan và một công ty đặt tại Nhật.
Nên đầu tư cho thiết kế
Ngành công nghệ vi mạch được chia thành hai loại: thiết kế và chế tạo. Thiết kế là việc mà ai cũng có thể làm được, chỉ cần đầu tư con người, phần mềm thiết kế. Chế tạo chip đầu tư tốn kém hơn. Để đầu tư một nhà máy kiểm tra chip set như Intel (Khu Công nghệ cao TPHCM) cũng đã tốn hơn 1 tỉ USD. Còn với nhà máy sản xuất chip đầy đủ cần phải đầu tư hơn 4 tỉ USD. Sau khi TS Phạm Bá Tuân, Phó Giám đốc Công ty EM Microelectronic (Thụy Sĩ), gợi ý “VN nên xây dựng một nhà máy sản xuất IC công nghệ 180 nm để phục vụ việc sản xuất và chế tạo các sản phẩm bán dẫn trong nước, với mức đầu tư khoảng 200 triệu USD”, nhiều nhà khoa học đã phản ứng và có nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn không đồng tình và cho rằng VN nên chọn hướng đầu tư cho thiết kế.
Năm 2005, ĐH Quốc gia TPHCM đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC). Đây là mô hình vừa nghiên cứu vừa đào tạo và ứng dụng vào thực tiễn thông qua các doanh nghiệp liên kết với trung tâm. Sau hơn 5 năm thành lập, ICDREC đã lần lượt thiết kế thành công chip Sigma K3, chip VN8-01, chip SG8-V1, chip quản lý năng lượng TH7150 và chip sinh học. Sau khi thiết kế, ICDREC đã gửi bản thiết kế đến các nhà máy chế tạo chip ở Mỹ, Đài Loan để sản xuất và đưa về ứng dụng trong bản mạch điều khiển máy giặt của Tập đoàn Hòa Phát và hệ thống kiểm soát báo hiệu hàng hải của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải II. Ngoài ra, còn ứng dụng trong hệ thống an ninh, các sản phẩm điện tử gia dụng, quang báo, robot... Những con chip của ICDREC thiết kế đã sớm có mặt trên sàn giao dịch của thị trường vi mạch
quốc tế.
Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ngành công nghệ vi mạch là một trong những ngành tiên phong trên thế giới và được xem là ngành công nghệ chiến lược cho nền kinh tế trong tương lai. Trong những năm gần đây, ĐH Quốc gia TPHCM đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này và bước đầu đã gặt hái một số thành công.
(Theo Hồng Thúy // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com