Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thay đổi nhân sự chấn động nước Nga (Phần 2): Tinh lọc lực lượng cảnh sát

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân viên cảnh sát với nỗ lực cải tổ lực lượng vốn đã bị chỉ trích nhiều vì tham nhũng và lạm quyền này. Ông đề nghị trừng trị các nhân viên cảnh sát dính líu đến tội phạm nghiêm khắc hơn so với các công dân bình thường

Ông Vladimir Ovchinsky, tiến sĩ luật học, một thiếu tướng cảnh sát Nga đã về hưu, nhận định: “Căn cứ vào nội dung sắc lệnh của tổng thống (TT) ngày 24-12-2009, điều chính yếu trong cuộc cải tổ này là giảm đi 20% nhân viên cảnh sát và loại bỏ hai bộ phận trong Bộ Nội vụ”. Tuy vậy, theo tạp chí Ogonyok (Nga), ông Vladimir Ovchinsky cho rằng đó không phải là điểm chính của cuộc cải tổ Bộ Nội vụ Nga lần này.

Hàng ngàn nhân viên cảnh sát Nga sẽ bị cắt giảm. Ảnh: RIA NOVOSTI

Giải thể hai bộ phận?

Theo hãng tin AP, nhiều vụ bạo lực xảy ra trong thời gian qua đã thúc ép Điện Kremlin hành động. Trong đó, nổi bật là vụ một sĩ quan cảnh sát xả súng bắn trong siêu thị ở Moscow hồi tháng 4-2009 làm 2 người chết và 7 người bị thương.

Trong tuyên bố ngày 18-2-2010, TT Dmitry Medvedev cho biết ông sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân viên cảnh sát với nỗ lực cải tổ lực lượng vốn đã bị chỉ trích nhiều vì tham nhũng và lạm quyền này. Cụ thể, ông muốn cắt giảm gần một nửa số nhân sự bộ máy trung ương Bộ Nội vụ, từ 19.970 người xuống còn 10.000 người. Quyết định này có hiệu lực vào ngày 1-12-2010. Tháng 12-2009, TT Medvedev đã ra lệnh cắt giảm một phần năm lực lượng cảnh sát trước năm 2012 và giao cho chính phủ đến ngày 31-3 phải hoàn tất các đề xuất thực hiện mục tiêu này.

Theo TT Medvedev, năm qua, khoảng 15.000 vụ cảnh sát tham nhũng đã được ghi nhận. Tuy nhiên, ông cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. TT Nga khẳng định: “Trách nhiệm của nhân viên ở mọi cấp độ của Bộ Nội vụ đều sẽ được tăng cường”.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Rashid Nurgaliyev nhấn mạnh rằng bộ này sẽ kiên quyết loại bỏ các nhân viên có hành vi sai trái. Trước đây, tháng 11-2009, TT Medvedev đã sa thải 20 quan chức cao cấp của cơ quan cải tạo liên bang, trong đó có giám đốc nhà tù Moscow. Ông cũng đã từng yêu cầu tinh giản số viên chức cảnh sát tỉnh, áp dụng quy định tuyển dụng mới và đưa ra các biện pháp chống tham nhũng. Bên cạnh đó, theo hãng tin Nga Interfax, ông Nurgaliyev cũng quả quyết: “Chúng tôi bảo vệ những người hoàn thành bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp”.

Trong khi đó, thông tin rò rỉ từ nội bộ của Bộ Nội vụ Nga tiết lộ rằng có vẻ như bộ phận CSGT và bộ phận cảnh vệ sẽ bị giải thể. Ở đây phát sinh những thắc mắc tự nhiên: Vì sao cần phải dẹp bỏ các phân nhánh của Bộ Nội vụ đang thực hiện các chức năng đặc biệt mà ngoài họ ra, không ai có thể thi hành được? Trên những vùng đất rộng mênh mông từ Kaliningrad đến Vladivostok, làm sao có thể bảo đảm an ninh giao thông nếu như không có cơ quan bảo vệ pháp luật chuyên biệt này? Trong khi đó, theo tạp chí Ogonyok, tội phạm giao thông là một hiện tượng khá độc lập trong thế giới tội phạm. Nó gắn liền với những dòng hàng hóa và hành khách, nạn cướp bóc và nhiều loại tội phạm khác.

Còn về bộ phận cảnh vệ, ở đây phát sinh mối nguy hiểm có thực khi các cơ sở của ngành công nghiệp hạt nhân không được bảo vệ. Đó là những đối tượng được bảo vệ cùng một lúc bởi lực lượng an ninh và các bộ phận chuyên trách của cảnh sát.

Quyền uy của tổng thống

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Sergei Mironov cho rằng cần phải tiến hành công cuộc cải tổ dưới sự kiểm soát của quốc hội để có thể đạt được hiệu quả lớn nhất. Đồng thời, ông Mironov cho biết trong thời gian tới, sẽ chuyển cho hạ viện xem xét dự luật “Về sự kiểm soát của quốc hội”.

Tuy nhiên, điểm rất đáng chú ý ở đây là TT Medvedev tuyên bố ông sẽ kiểm soát cuộc cải tổ quy mô lần này. TT Nga khẳng định: “Cá nhân tôi sẽ nắm quyền kiểm soát công việc cải tổ hoạt động của Bộ Nội vụ”.

Bên cạnh đó, TT Medvedev thông báo trong thời gian sắp tới sẽ tiến hành luân chuyển nhân sự ở Bộ Nội vụ. Ngoài ra, cảnh sát Nga sẽ được giảm bớt những chức năng trùng lắp, thừa thãi và không phù hợp. TT Nga nhấn mạnh đến ý định đấu tranh nghiêm khắc với tệ trạng tội phạm trong Bộ Nội vụ.

Hãng tin RIA Novosti cho biết theo dữ liệu của TT Nga đưa ra, mỗi năm ở Nga có hơn 2.000 án mạng hoặc vụ mưu sát, 124.000 vụ cướp và 760.000 vụ trộm không được xử lý. TT Medvedev nhận xét: “Bản thân các con số ấy thật dễ sợ nhưng điều chủ yếu là đằng sau những con số này là số phận của những con người cụ thể. Đó có thể là nạn nhân, người thân của họ”.

Dịp này, TT Medvedev yêu cầu Bộ Nội vụ Nga nâng cao tính phát hiện tội phạm. Ông nhắc nhở tại phiên họp Bộ Nội vụ mở rộng ngày 18-2-2010: “Phát hiện tội phạm dĩ nhiên vẫn sẽ là một trong những tiêu chí căn bản trong công việc của ngành này. Lẽ tự nhiên là không được phép làm đẹp con số thống kê, thay đổi nó”. Thêm vào đó, TT Nga giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ: “Hiện nay, mỗi năm Nga chỉ phát hiện một nửa số tội phạm. Như thế còn hơn 1,3 triệu tội phạm mà 25% trong số này ở mức độ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.

Từ đó, TT Nga đề nghị trừng trị các nhân viên cảnh sát dính líu đến tội phạm nghiêm khắc hơn so với các công dân bình thường. Về vấn đề này, Chủ tịch Viện Kế toán Nga Sergei Stepashin nhận định: “Xét theo quan điểm quyền con người, điều đó có thể không hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, xét về phương diện tính mạng những người mà cảnh sát phải bảo vệ quyền của họ, theo tôi, điều đó đúng”. Ông Stepashin cũng đánh giá sáng kiến của vị đứng đầu nhà nước Nga là hy hữu, chưa từng có trên thế giới.

Kỳ tới: Ủng hộ và phản đối

(Theo NGÔ SINH // Nguoilaodong Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nga tăng sản lượng lương thực
  • Châu Âu: Hàng không chao đảo vì đình công
  • Bốn phút cuối cùng của chuyến bay Air France 447
  • Pháp, Thụy Sỹ náo nhiệt Lễ hội hóa trang đường phố
  • Nóng bỏng thương vụ tàu Mistral
  • Châu Âu đang trải qua "Mùa đông của bất bình"
  • Hàng không châu Âu nghiêng ngả do đình công
  • Yemen khát nước cháy cổ