Ngay khi Tổng thống Dmitry Medvedev ký sắc lệnh về việc hoàn thiện hoạt động của các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Nga, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Đó là những kiến nghị mang tính xây dựng cũng như những nhận định về sắc lệnh này
Sau khi ký lệnh cách chức một loạt quan chức cao cấp Bộ Nội vụ, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tiếp tục bàn luận về cuộc cải tổ bộ này tại phiên họp với các thành viên Hội đồng An ninh. Theo Natalya Timakova, người phát ngôn của tổng thống, tại đây, nhà lãnh đạo nước Nga lưu ý rằng ông chờ đợi sự cộng tác từ tất cả các đại diện của chính quyền trong việc này.
Cần thay đổi căn cơ
Ông Sergei Mironov, Chủ tịch Hội đồng Liên bang, thành viên thường trực Hội đồng An ninh Liên bang Nga, nhận xét rằng lãnh đạo Bộ Nội vụ Nga vẫn chờ đợi những thay đổi mới mẻ về nhân sự ở bộ này. Tuy vậy, theo ông, cuộc cải tổ cấp bộ phải đi theo con đường tiến triển.
Trả lời phỏng vấn của chương trình Vesti v subbotu (Tin tức thứ bảy, chuyên phát sóng đến những khu vực ở miền Viễn Đông nước Nga), ông Mironov khẳng định: “Tôi cảm thấy thích thú vì tổng thống đi theo con đường tiến triển. Sẽ không có ai cử đến cho chúng ta một lực lượng cảnh sát khác từ mặt trăng. Cần phải có một sự thay đổi thế trận. Ở đây, cần một bản lĩnh chính trị”.
Ông Mironov tin tưởng việc thay đổi nhân sự ở Bộ Nội vụ Nga vẫn sẽ tiếp diễn. Ông quả quyết: “Đó không phải là những thay đổi cuối cùng về nhân sự trong cấu trúc Bộ Nội vụ. Tôi nghĩ rằng không một ai, kể cả ở bộ này, nghi ngờ vấn đề đó”. Theo ông Mironov, quá trình thay đổi nhân sự ở Bộ Nội vụ Nga phải mang tính chất thường xuyên.
Đồng thời, nói về việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp ở Bộ Nội vụ, ông Mironov nhấn mạnh: “Cần phải tìm kiếm và đặt vào các chức vụ lãnh đạo những con người sẽ không chỉ tìm cách bảo vệ chiếc ghế của một chức vụ quan trọng mà suy nghĩ đến nhiệm vụ chính yếu nhất của Bộ Nội vụ, đó là giữ gìn trật tự xã hội và an ninh của công dân đất nước chúng ta”. Theo ông, đây là một công việc phức tạp và lâu dài, lẽ ra đã phải được bắt đầu từ trước.
![]() |
Có ý kiến cho rằng mọi cảnh sát Nga ở các cấp đều cần phải trải qua cuộc kiểm tra về tâm lý. Ảnh: KOMMERSANT |
Trong khi đó, theo tạp chí Ogonyok, ông Vladimir Ovchinsky, tiến sĩ luật học, thiếu tướng cảnh sát đã nghỉ hưu, phản đối việc cải tổ Bộ Nội vụ kiểu bề nổi. Ông cho rằng cuộc cải tổ không bao gồm việc thay đổi cấu trúc mà là sự thay đổi căn cơ nội dung làm việc của hệ thống Bộ Nội vụ. Theo ông, người dân phiền hà, lo lắng vì nạn tham nhũng và tệ nhũng nhiễu trong ngành cảnh sát do các nhân viên dính líu đến tội phạm. Do đó, cuộc cải tổ phải hướng đến việc triệt hạ tận gốc những hiện tượng này.
Phải đạt được hai chức năng
Tiến sĩ Ovchinsky thẳng thắn đề nghị: “Cần phải có một động thái cư xử hoàn toàn khác với đội ngũ nhân sự ở bên trong hệ thống. Không chỉ những nhân viên cảnh sát mới được tuyển phải trải qua kiểm tra về tâm lý mà tất cả mọi cảnh sát, từ lãnh đạo cấp tướng đến nhân viên cấp bậc thấp nhất, đều cần phải trải qua cuộc kiểm tra về tâm lý. Làm vậy là vì sau vài năm làm việc trong ngành cảnh sát, bất cứ ai cũng sẽ đều bị biến dạng cơ bản về đạo đức và tâm lý”. Hơn nữa, theo ông Ovchinsky, cần phải thường xuyên tiến hành kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối.
Ngoài ra, một loạt chính khách và nhân việc bảo vệ pháp luật đưa ra ý tưởng về sự phân quyền đối với các cơ quan Bộ Nội vụ. Họ đề xuất triệt tiêu bộ này như một hệ thống kim tự tháp thống nhất và thành lập lực lượng cảnh sát liên bang và cảnh sát khu vực. Nói một cách khác, người ta đề nghị tách rời trung tâm liên bang và các khu vực.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ovchinsky, việc hiện thực hóa các ý tưởng nêu trên trong điều kiện cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vẫn đang tiếp diễn có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng về tội phạm, phá hỏng cả hệ thống bảo đảm an ninh cho người dân và cả đất nước.
Bên cạnh đó, nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Nga cho biết việc tinh giản cơ bản trong khuôn khổ công cuộc cải tổ Bộ Nội vụ sẽ đụng chạm đến ngành cảnh sát an ninh xã hội. Ngoài ra, theo nguồn tin này, hệ thống đào tạo của Bộ Nội vụ cũng sẽ được xem xét lại để thu gọn số lượng cơ sở đào tạo của bộ này. Thêm vào đó, cũng phải xem xét lại chương trình học của các cơ sở nói trên để các cơ quan này có thể đào tạo nên những chuyên gia thực sự cần thiết.
Những đề nghị trên đều nhằm để đạt được hai chức năng chính của Bộ Nội vụ mà Tổng thống Medvedev đã xác định trong sắc lệnh cải tổ: Đấu tranh với tội phạm và bảo đảm trật tự xã hội.
Lấn cấn chuyện thu nhập Tổng thống Medvedev đã tuyên bố: “Trong một khoảng thời gian ngắn, cần phải có quyết định về việc tăng thu nhập cho nhân viên cảnh sát”. Đồng thời, tổng thống giao cho chính phủ bàn bạc các vấn đề cụ thể. Sau đó, đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về chuyện có nên tăng lương cho cảnh sát hay không. Cuộc tranh cãi có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên, theo tạp chí Ogonyok, hiện nay, tính trung bình trên cả nước Nga, một thanh tra cảnh sát hoặc một nhân viên đặc vụ nhận được mức lương thấp hơn 3-4 lần so với nhân viên các cơ quan thuộc viện công tố và ít hơn 10 lần so với các thẩm phán. Trong khi đó, người xông pha trước mũi dao hoặc họng súng của tội phạm là nhân viên cảnh sát chứ không phải người của tòa án. Từ đó, nhiều nhân viên cảnh sát đã từng phục vụ 20 năm trong hệ thống của Bộ Nội vụ đang cố chuyển sang làm việc tại các cơ quan công tố, với mục tiêu sau này sẽ nhận được một mức lương hưu xứng đáng. |
(Theo NGÔ SINH // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com