Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường đầu tuần qua, Hiệp hội Giấy Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đóng cửa và dừng sản xuất của các doanh nghiệp (DN) ngành giấy.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy cho hay, sau khi đạt đỉnh cao vào tháng 7/2008, sản xuất giấy trong nước giảm sút nhanh chóng. So với tháng 7/2008, sản lượng giấy từ tháng 8 đến 11 lần lượt là 90%, 69%, 55% và 31%. Dự báo sản lượng tháng 12 chỉ bằng 26% so với tháng 7/2008 và chỉ bằng 25% khả năng sản xuất.
Trong khi đó, lượng tồn kho giấy sản xuất trong nước cũng tăng nhanh từ 2.000 tấn của tháng 8/2008 lên 140.000 tấn vào tháng 11/2008, bằng 3 lần lượng sản xuất trong cùng tháng 11/2008. Tình hình này khiến nhiều nhà máy đã đóng cửa, nhiều nhà máy sẽ đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai sẽ đóng cửa để bảo dưỡng sớm hơn thường lệ để tránh thời điểm xấu này.
Khi các DN sản xuất giảm sản lượng thì nhập khẩu giấy lại tăng mạnh. Tỷ lệ giấy in báo nhập khẩu so với giấy sản xuất trong nước từ tháng 7 đến tháng 11/2008 lần lượt là 25%, 42%, 47%, 56% và 75% và tháng 12 dự báo là 86%. Đáng nói là, xuất khẩu giấy của Việt Nam từ chỗ đạt khoảng 12.000-15.000 tấn/tháng, nay chỉ còn 1.000 tấn/tháng.
Theo ông Bảo, tiêu dùng giấy năm 2008 dự báo đạt gần 2 triệu tấn, tăng 5% so với tiêu dùng giấy năm 2007 (những năm trước là 15-16%).
Tỷ lệ giữa sản xuất giấy ở trong nước và giấy nhập khẩu những năm trước là 63/37, nhưng do nhập khẩu tăng, sản xuất giảm, nên tỷ lệ này năm 2008 sẽ là 50/50. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi hầu hết các dự án đầu tư sản xuất bột giấy và giấy đã tuyên bố tạm dừng, nhưng không cho biết thời gian khởi động lại, trừ Dự án Nhà máy Bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy Kraft Vina (Thái Lan) vẫn triển khai, nhưng sẽ không hoàn thành đúng kế hoạch.
Thực tế này cũng cho thấy, năm 2009 sản xuất giấy trong nước tiếp tục giảm sút, nhập khẩu giấy sẽ lấn át sản xuất trong nước. “Ở thời điểm này, các chuyên gia phân tích không đủ dũng cảm đưa ra dự báo, nhưng chắc chắn tình hình sẽ không thể sáng sủa hơn nếu không có giải pháp và nguy cơ sụp đổ một ngành sản xuất là rất lớn”, ông Bảo nhận xét.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên, ngoài việc xuất khẩu giảm, DN và người dân kiềm chế chi tiêu, còn được Hiệp hội Giấy cho là bởi chính sách thuế nhập khẩu giấy tại Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC ngày 1/9/2008 và Quyết định số 73/2008/QĐ-BTC ngày 5/9/2008 của Bộ Tài chính. Trước đó, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giữ nguyên lộ trình thực hiện việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và không đồng tình về việc sớm rút ngắn lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng giấy. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn kiên quyết đề nghị giữ lộ trình rút ngắn này.
Từ giữa năm 2008 trở lại đây, giá bột giấy và giá giấy giảm nhanh và liên tục. Lượng bột và giấy tồn kho ở đỉnh cao. Và quyết định trên của Bộ Tài chính đã ngay lập tức giúp giấy ngoại “đổ bộ” vào thị trường trong nước. “Giấy từ Trung Quốc, nơi có lượng giấy tồn đọng lớn nhất thế giới đã vào Việt Nam qua hai ngả: thẳng từ Trung Quốc và từ các cơ sở sản xuất ở các nước ASEAN. Giấy từ các nước khác, thậm chí từ Italy xa xôi cũng tràn sang Việt Nam, với giá do người mua định đoạt”, ông Bảo cho biết.
Trước tình hình này, các DN ngành giấy kiến nghị tăng trở lại từ 0% lên 5% và từ 3% lên 5% đối với các loại giấy in viết và giấy in báo xuất xứ từ các nước ASEAN hay điều chỉnh lại toàn bộ mã hàng trong Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC với mức thuế suất nhập khẩu chỉ giảm so với thuế suất nhập khẩu theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC là 1-3%, áp dụng trong năm 2009 theo đúng các nguyên tắc mà Bộ Tài chính nêu ra hay giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng giấy.
(Theo Đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com