Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh Nghiệp bối rối trước các dự báo

Khả năng lạm phát và thiểu phát đều đã được nhắc tới cho kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2009. Thậm chí, tại Hội thảo "Môi trường kinh doanh năm 2009: phân tích và dự báo" do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đầu tuần…

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đưa ra tỷ lệ dự đoán cho mỗi kịch bản này là 50/50 và khả năng đảo chiều nhanh nếu tình hình kinh tế vĩ mô không được kiểm soát chặt chẽ.

"Cơn bão" có vẻ như đã được dự báo, song theo như một số doanh nghiệp thì hướng đi và sức mạnh của nó vẫn đang là câu hỏi. Và cách "tránh bão" đang được nhiều doanh nghiệp nhắc tới là "cầm cự" và đầu tư ngắn hạn để bảo toàn vốn, đủ sức vượt qua năm 2009 trước khi tính tiếp các chiến lược kinh doanh dài hạn hơn.

Ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Biển Bạc cho biết, sẽ hoãn lại các kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh, mà tập trung đầu tư vào những hoạt động đang có, tăng giá trị gia tăng trên sản phẩm. "Lãi suất thực dương trong hoạt động sản xuất mà doanh nghiệp kỳ vọng là 10%.

Với bối cảnh lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay và các xu hướng biến động của thị trường, nhiều doanh nghiệp phải tính đến những kịch bản xấu", ông Vinh nói. Sự chần chừ là dễ hiểu khi mà không ít doanh nghiệp đang phải gánh chịu khá nhiều rủi ro do những thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô năm 2008. Doanh nghiệp bị đặt vào thế bị động khi các quyết sách được thực hiện quá chóng vánh, thiếu khoảng lùi cần thiết cho các kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp.

Áp lực này đang đè nặng hơn khi mà các thị trường lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật đều đã tuyên bố suy thoái. Gần đây nhất, Singapore cũng phát đi thông tin về giai đoạn suy thoái bắt đầu. Kèm theo đó là các kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 1,5 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp nhỏ vay trong một năm của Singapore đã được đưa ra. "Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải chờ đợi các chuyên gia nghiên cứu cân nhắc xu thế và giải pháp. Chúng tôi chờ đợi định hướng cụ thể, thay vì những phân tích chung chung từ phòng giấy", ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sóng Thần nói.

Sẽ là rất khó cho các doanh nghiệp khi ngay trong giới nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Việt Nam, sự khác biệt cả đánh giá xu thế lẫn tình hình kinh tế vĩ mô vẫn khá lớn. Cho dù về nguyên tắc, các ý kiến chuyên gia chỉ mang tính tư vấn, song trong bối cảnh tình hình thị trường biến động vô cùng phức tạp, khó lường, "sức lực" của các doanh nghiệp đã vơi đi khá nhiều sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì dự báo kinh tế vĩ mô sẽ quyết định tới sự an nguy của các doanh nghiệp.

Hai xu hướng dự báo đang tồn tại khá rõ rệt. TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính trị thế giới, được coi là ở phía lạc quan khi đặt kỳ vọng lớn vào sự gia tăng đột biến của nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục lên điểm, và trở thành nơi hút vốn của thế giới. Hơn thế, ông Lược đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp về khả năng tận dụng khủng hoảng để cơ cấu lại toàn bộ họat động, hướng về thị trường trong nước để tìm giải pháp về thị trường.

"Tới đây, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể tính toán, tận dụng cơ hội lãi suất cho vay giảm trên toàn cầu để vay vốn từ bên ngoài, tiến hành các dự án đầu tư hiệu quả. Khủng hoảng cũng sẽ tạo cơ hội để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mức chi phí phù hợp", ông Lược nói.

Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, lại đưa ra quan điểm cả Việt Nam và thế giới đều đang trong tình trạng thiếu vốn đầu tư. Thể hiện rõ nhất ở trong nước là tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới giảm đáng kể. Nếu như các tháng đầu năm, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng khoảng 16%, thì hai tháng gần đây, tỷ lệ này chỉ còn 8%.

"Điều đáng nói là tình hình lạm phát đang được cải thiện tốt, nhưng các vấn đề về sức mua giảm, doanh nghiệp khó khăn tăng... đang nổi lên. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là nền kinh tế đang yếu ớt khi gặp bão. Và mục tiêu ổn định cần phải được đặt ra chứ chưa phải là tăng trưởng", ông Doanh nói.

Cùng quan điểm, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đang tính tới những cảnh báo khó khăn hơn đối với các ngân hàng thương mại khi thị trường hoạt động của doanh nghiệp đang bị thu hẹp, ngay cả với thị trường trong nước. Và lời khuyến cáo được đưa ra là, doanh nghiệp cần năng động, linh hoạt "lách được vào một cái thị trường nào đấy, tìm ra một kẽ hở nào đấy".

Song, bà Hương cũng thừa nhận rằng, khi thị trường đã đan xen, việc tìm ra một khe hở để lách rất khó khăn và bài toán thị trường cho sản xuất - kinh doanh năm 2009 chắc chắn không hề đơn giản.

(Theo Đầu tư)

  • Giật mình về chất lượng DN tư vấn giao thông
  • Đến lượt DN ngành giấy kêu cứu
  • Giá trị sản xuất công nghiệp đạt kế hoạch cả năm
  • Tìm hướng kinh doanh hiệu quả cho các hợp tác xã
  • Tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế
  • Tháng 11-2008: kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định
  • Sản xuất công nghiệp của cả nước 11 tháng 2008 tăng 15,6%
  • 5 nhóm giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi