Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Môi trường kinh doanh: Cải cách chưa đáp ứng kỳ vọng

Sự thụt lùi về điểm số cùng với sự đi xuống của số tỉnh được xếp hạng rất tốt và tốt về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) so với năm 2007 cho thấy những cải thiện về môi trường kinh doanh năm nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

PCI là chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua cảm nhận của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, được xem là toàn diện nhất ở Việt Nam hiện nay. Chỉ số này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố hằng năm, kể từ năm 2005. Báo cáo PCI 2008 có sự tham gia của gần 8.000 doanh nghiệp thuộc 64 tỉnh, thành phố.

Đà cải cách chững lại

Báo cáo năm nay lần đầu bổ sung nội dung mức độ cải thiện về PCI của các tỉnh trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu, điều đáng chú ý là trong số 13 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng thì có đến năm tỉnh lại đứng cuối về mức độ cải thiện PCI, cho thấy đà cải cách môi trường kinh doanh ở những tỉnh này đang chững lại.

Hai tỉnh đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng đều có điểm PCI thấp hơn so với các vị trí tương đương năm ngoái. Đà Nẵng năm nay chiếm ngôi vị số một suốt ba năm qua của Bình Dương, nhưng điểm PCI của Đà Nẵng năm nay thấp hơn của Bình Dương năm ngoái năm điểm; trong khi Điện Biên, tỉnh xếp cuối bảng năm nay cũng thấp hơn vị trí này năm ngoái 1,5 điểm. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho rằng, điều đó phản ảnh sự thất vọng của khối doanh nghiệp tư nhân về tốc độ cải cách môi trường kinh doanh trong năm qua, hay nói cách khác, mức độ cải cách môi trường kinh doanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo, năm nay, hai tỉnh đã rớt khỏi nhóm có PCI rất tốt (Bình Định, Vĩnh Long), ba tỉnh rớt khỏi nhóm có PCI tốt, trong khi đó thêm hai tỉnh gia nhập nhóm có PCI thấp.

Bốn yếu tố được doanh nghiệp đánh giá tốt lên, theo báo cáo năm nay: Thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh hơn; nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn; tiếp cận văn bản pháp luật thuận tiện hơn; ít phải có những “thoả thuận ngầm” với cán bộ thuế hơn.
Ba nút thắt

Qua khảo sát, vẫn còn nhiều yếu tố bị doanh nghiệp xem là cản trở đối với việc kinh doanh của họ, liên quan đến thủ tục hành chính, chất lượng đào tạo nghề và chất lượng hạ tầng cơ sở, mà ông Trần Hữu Huỳnh gọi là "ba nút thắt". Cụ thể, gần 1/4 số doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho thủ tục hành chính, số doanh nghiệp phải chi các khoản không chính thức chưa giảm mấy so với năm trước (chỉ giảm hơn 2%, còn 66%); số doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng đào tạo nghề của tỉnh giảm gần 2/3 so với năm ngoái (từ 56% xuống 20%). Bên cạnh đó, trung bình mỗi doanh nghiệp mất 7,5 ngày làm việc mỗi năm do hệ thống giao thông từ doanh nghiệp đến trung tâm tỉnh không lưu thông được; 71% doanh nghiệp có sản phẩm bị ảnh hưởng do hệ thống giao thông kém, gây thiệt hại trung bình 43 triệu/năm/doanh nghiệp; trung bình một doanh nghiệp bị cắt điện 48,29 giờ/tháng.

Năm nay, cũng lần đầu tiên, báo cáo đưa vào chỉ số cơ sở hạ tầng và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, đem lại cái nhìn toàn cảnh hơn về môi trường đầu tư. Theo bà Phạm Chi Lan, một số tỉnh/thành phố có PCI thấp nhưng vẫn hấp dẫn đầu tư do có hai chỉ số về hạ tầng cơ sở và công nghệ thông tin cao. Đó là trường hợp của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - hai thành phố này chỉ đứng thứ 13 (thuộc nhóm khá) và 31 (thuộc nhóm trung bình) trong bảng xếp hạng PCI nhưng vẫn đứng thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng môi trường đầu tư.

Thời gian qua, đã có chính quyền thuộc hơn 40 tỉnh, thành phố đưa PCI vào các cuộc đối thoại với doanh nghiệp địa phương nhằm đem lại những cải thiện về môi trường kinh doanh. Thậm chí, có tỉnh coi chỉ số này quan trọng không kém chỉ số tăng trưởng hay chỉ số về mức sống của người dân, như phát biểu của ông Phạm Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bắc Ninh, tại lễ công bố báo cáo PCI 2008 sáng nay tại Hà Nội. Cũng có ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng khảo sát PCI sang các doanh nghiệp lớn, và cả các doanh nghiệp nhà nước.

Ba tỉnh đứng đầu (nhóm rất tốt) trong bảng xếp hạng PCI: Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc.

Sáu tỉnh đứng cuối (nhóm thấp) trong bảng xếp hạng PCI: Kon Tum, Cao Bằng, Đắc Nông, Bạc Liêu, Bắc Cạn, Điện Biên.

Ngoài ra, có 10 tỉnh thuộc nhóm tốt, 17 tỉnh thuộc nhóm khá, 16 tỉnh thuộc nhóm trung bình, 12 tỉnh thuộc nhóm tương đối thấp.

(Theo nhân dân)

  • Từ kết quả PCI năm 2008- Vẫn lo thủ tục hành chính
  • Biện pháp để phát triển cà phê bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
  • Doanh nghiệp gốm sứ thu hẹp sản xuất
  • Kinh tế Việt Nam chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh
  • Năm 2009: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội
  • PCI 2008: Đánh giá của địa phương “rớt hạng”
  • Thấy gì từ năng lực cạnh tranh các tỉnh năm nay?
  • Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Mục tiêu 2020
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi