Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tạo điều kiện cho người mù được học nghề, có việc làm

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi đối với Hội người mù trên địa bàn tham gia các chương trình, dự án về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm.

Tạo cơ hội cho người mù hòa nhập với cộng đồng

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhằm triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 73-KL/TW ngày 16/6/2010 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 7 thông qua, trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Bộ phải tiến hành rà soát các chế độ, chính sách hiện hành đối với người mù, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ hội cho người mù hòa nhập với cộng đồng, được học nghề, có việc làm phù hợp.

Về việc quản lý Hội, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ hướng dẫn Hội Người mù Việt Nam thực hiện các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hướng dẫn và thực hiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các hoạt động gắn với nhiệm vụ do nhà nước giao cho Hội Người mù Việt Nam theo quy định; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội và các nguồn tài trợ cho Hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đối với những địa phương chưa có tổ chức Hội, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Hội.

60% người mù có việc làm thường xuyên

Được biết, từ nay đến năm 2012, Hội Người mù Việt Nam sẽ thành lập thêm 10 hội người mù ở các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hậu Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Ninh Thuận, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cà Mau.

Ngay sau khi có Chỉ thị số 51-CT/TW, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình chăm lo giúp đỡ người mù có hiệu quả. Ngành Giáo dục Đào tạo có chính sách miễn giảm học phí cho người mù, đã có hơn 100 người mù trẻ đang học đại học, cao đẳng; hàng nghìn người mù được tiếp cận với tin học, sử dụng vi tính để soạn thảo văn bản, truy cập internet… Ngành Giao thông Vận tải nhiều tỉnh, thành đã cấp phát thẻ xe buýt miễn phí cho người mù; công tác xã hội hoá giúp đỡ người mù được phát động rộng rãi và được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ… Những việc làm cụ thể này đã giúp người mù trong nước được chăm sóc, giúp đỡ để người mù thêm tự tin, bỏ qua mặc cảm, vươn lên hoà nhập cùng gia đình và cộng đồng.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị này, tổ chức Hội Người mù Việt Nam đã được củng cố và phát triển, chất lượng hoạt động không ngừng tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên và người mù được cải thiện hơn. Hội luôn là chỗ dựa để hội viên phấn đấu, vươn lên ổn định cuộc sống, là mái nhà chung, là nơi thu hút, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người mù.

Đến nay cả nước đã có trên 20.000 người mù biết đọc chữ nổi Brai (chữ nổi cho người mù), chiếm trên 50% tổng số người mù trong cả nước. Trên 30% số người mù là hội viên Hội người mù ở các địa phương được giúp đỡ vay vốn phát triển kinh tế, 60% số người mù có việc làm thường xuyên.

(Theo An Nam // Tin Chính phủ // Công văn số 5099/VPCP-KGVX)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi