Mặc dù có lãi suất cao hơn gần 50%, nhưng do lo ngại biến động tỷ giá và vay vốn bằng USD không được hỗ trợ lãi suất 4%/năm như VND, nên hầu hết doanh nghiệp vẫn chọn VND để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, trần lãi suất cho vay VND của ngân hàng đối với doanh nghiệp hiện được áp dụng là 10,5%/năm (bằng 150% lãi suất cơ bản), trong khi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ 5 - 6%/năm, thậm chí thấp hơn.
Thế nhưng, theo lý giải của đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xuất nhập khẩu, nếu vay vốn bằng VND lúc này, thì 3 tháng sau trả nợ ngân hàng, lãi suất nhiều khả năng sẽ vẫn ổn định ở mức 10,5%/năm. Ngược lại, vay vốn bằng ngoại tệ, nhưng sau 3 tháng, khi có nguồn thu mua ngoại tệ trả nợ ngân hàng nếu tỷ giá hối đoái biến động trên mức giao dịch trên thị trường tự do (17.710 VND/USD trong ngày 6/3/2009), thì rủi ro là điều khó tránh.
Khi đó, chênh lệch trên số tiền phải trả cho khoản ngoại tệ mua về trả nợ ngân hàng chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất phải trả khi vay bằng VND. Vì vậy, vay vốn bằng VND ở thời điểm hiện tại được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Mặt khác, theo giải thích của tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, kể từ khi gói vốn kích cầu được đẩy mạnh cho vay, các nhà sản xuất - kinh doanh không mấy mặn mà với việc vay vốn bằng ngoại tệ, vì không được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách trả nợ trước hạn đối với những khoản vốn vay bằng USD và kể cả VND trước ngày 1/2/2009 (khi Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành Thông tư 02) để tái vay mới.
Trong khi đó, với xu hướng tỷ giá hối đoái hiện nay, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ vẫn đang ở mức cao, khiến nguồn vốn huy động USD vào ngân hàng tăng mạnh. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tính đến tháng 2/2009 ước đạt 587.513 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 27,7% tổng vốn huy động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2008.
Riêng vốn huy động VND chỉ tăng 16,4%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 501.069,1 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, khối ngân hàng cổ phần chiếm 47,1%, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng bằng USD đạt 139.235,8 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng dư nợ, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng bằng VND tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 44% tổng dư nợ, tăng 21,5%; dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2008.
Thêm vào đó, nhà xuất khẩu chưa muốn bán ngay ngoại tệ thu về cho ngân hàng, với kỳ vọng chờ tỷ giá tăng hơn nữa. Trước tình trạng trên, các ngân hàng có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ.
Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay USD kể từ ngày 3/3/2009. Lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao nhất được áp dụng tại SCB hiện chỉ còn 2,9%/năm. Đối với lãi suất cho vay vốn ngắn hạn bằng USD, SCB giảm xuống còn 6%/năm, trong khi lãi vay USD dài hạn là 6,2%/năm.
Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành tài chính, tỷ giá sẽ tiếp tục được kiểm soát và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế năm 2009, nhưng khó có thể điều chỉnh tăng. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, hiện Chính phủ không có chủ trương điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD và Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo cân đối cung - cầu trên thị trường.
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com