Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm lý do không nên phá giá đồng nội tệ

Những lý giải cho các khuyến cáo phá giá đồng nội tệ chưa đủ sức thuyết phục và cần bàn thảo sâu hơn, toàn diện hơn.
 

Dự báo tỷ giá USD tại Việt Nam sẽ chỉ tăng khoảng 6% trong năm nay - Ảnh: H.N

 

Gần đây, tại một số cuộc hội thảo và trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện khuyến cáo phá giá đồng nội tệ. Đáng lưu ý là khuyến cáo này được đề xuất bởi cả các chuyên gia trong nước và các chuyên gia nước ngoài, thậm chí còn được coi là giải pháp số 1 để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Lý giải khuyến cáo trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do VND đã lên giá so với USD, nên không khuyến khích xuất, mà trái lại khuyến khích nhập khẩu. Có nguyên nhân do cung - cầu ngoại tệ trên thị trường Việt Nam năm nay bị mất cân đối, do cung ngoại tệ giảm mà cầu ngoại tệ tăng. Có nguyên nhân để ngăn chặn mất cân đối cán cân thanh toán tổng thể, bảo tồn dự trữ ngoại hối, làm tăng tính thanh khoản của quốc gia...

Những lý do đó chưa đủ sức thuyết phục và cần bàn thêm. Dưới đây là 5 lý do không nên phá giá VND.

Trước hết, VND hiện thấp giá nhiều so với USD, chứ không phải lên giá so với USD. Về mặt danh nghĩa, giá USD ở Việt Nam tháng 2/2009 đã tăng 20,6% so với tháng 12/2000, trong khi USD mất giá với tỷ lệ như vậy so với euro trong thời gian tương ứng (1 USD từ chỗ tương đương 1 euro, nay chỉ còn bằng dưới 0,8 euro).

Nếu loại trừ yếu tố lạm phát ở Mỹ và lạm phát ở Việt Nam thì VND đã lên giá mạnh so với USD (bởi lạm phát ở Việt Nam rất cao, còn lạm phát ở Mỹ rất thấp), song nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương, thì VND đã được định giá thấp rất xa so với USD (1 USD tại Việt Nam hiện có sức mua gấp khoảng 3,5 lần 1 USD tại Mỹ). Đây chính là bất lợi của các nước đang phát triển do “cánh kéo tỷ giá” đã làm cho các nước đang phát triển bị thiệt thòi, còn các nước phát triển được hưởng lợi do giá nhập khẩu rẻ từ các nước đang phát triển. Như vậy, nếu phá giá thì sẽ tiếp tục làm cho “cánh kéo tỷ giá” ngày một rộng ra.

Thứ hai, về cung - cầu ngoại tệ, một yếu tố quan trọng của việc điều hành tỷ giá, thì cung ngoại tệ có thể không tăng như trước, thậm chí có thể giảm, nhưng nhập siêu - nguyên nhân chính của mất cân đối cung - cầu ngoại tệ, sẽ giảm so với năm trước. Số liệu thống kê cách đây 10 năm cho thấy, nếu nhập siêu năm 1996 là 3.888 triệu USD (khi nhập khẩu tăng 36,6%), thì năm 1997 giảm xuống còn 2.047 triệu USD (khi nhập khẩu chỉ tăng 4%), năm 1998 còn 2.139 triệu USD (khi nhập khẩu giảm 0,8%), năm 1999 còn 201 triệu USD (khi nhập khẩu chỉ tăng 2,1%). Cuộc khủng hoảng lần này có thể làm cho tình hình trên lặp lại: xuất khẩu tăng thấp, thậm chí có thể giảm, nhưng nhập khẩu còn tăng thấp hơn hoặc giảm mạnh hơn (2 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 5,1%, nhập khẩu giảm tới 43,1%).

Thứ ba, đồng đô- la Mỹ lên giá so với các đồng tiền khác chỉ là tạm thời. Những nhân tố như kinh tế Mỹ đang tiếp tục xấu đi, thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục, nợ nước ngoài tăng mạnh, lãi suất đồng USD bị cắt giảm xuống mức thấp không thể cắt giảm hơn nữa, lượng tiền đưa ra giải cứu và kích thích kinh tế ở mức khổng lồ... tất yếu sẽ dẫn đến lạm phát ở Mỹ tăng cao, làm giảm giá USD so với các đồng tiền khác.

Thứ tư, tỷ giá VND/USD là tổng hòa của nhiều mối quan hệ, chứ không chỉ liên quan đến xuất khẩu/nhập khẩu. Tỷ giá VND/USD tác động rất lớn đến quan hệ nợ/trả nợ, bao gồm cả doanh nghiệp và Nhà nước. Nợ của doanh nghiệp không nhỏ, nên nếu USD tăng giá mạnh so với VND sẽ làm cho doanh nghiệp gặp rủi ro về tỷ giá. Trong khi đó, nợ của Nhà nước tuy là nợ dài hạn, nhưng những khoản nợ đã đến kỳ trả chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng ngân sách...

Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã công bố rõ ràng không có chủ trương phá giá VND, mà điều hành linh hoạt. Điều hành linh hoạt khác với phá giá. Điều hành linh hoạt là có tăng, có giảm theo quan hệ cung - cầu và trong nhiều quan hệ khác, nhưng không gây sốc cho thị trường. Phá giá thì chỉ có tăng và thường là tăng lớn.

Cũng cần nhắc lại diễn biến tỷ giá thị trường cách đây 10 năm. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực 1997-1998 xảy ra, có chuyên gia đã khuyến nghị Chính phủ phá giá VND để “vượt trước ngăn chặn” từ 12.500 VND/USD lên 18.000 - 19.000 VND/USD, nhưng thực tế năm đó, tỷ giá chỉ lên 13.500 VND/USD và 10 năm sau vẫn chưa đạt mức khuyến cáo đó.

Với 5 lý do trên, có thể dự báo, tỷ giá USD ở Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng ở mức như năm ngoái (trên dưới 6%).

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Chọn vay VND dù lãi suất cao
  • Ngân hàng Anh "in tiền" chống khủng hoảng
  • Lãi suất Euro và Bảng Anh thấp nhất trong lịch sử
  • Thị trường tiền tệ thế giới tuần kết thúc này 13/03/2009: các đồng tiền rớt giá
  • So đo lãi suất, tỉ giá
  • Bị từ chối giải cứu, tiền Đông Âu mất giá
  • Tỷ giá USD/VND: Đề phòng đầu cơ
  • Đồng won Hàn Quốc thấp nhất vòng 11 năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!