Sau khi tung ra những khoản tiền khổng lồ để giải cứu thị trường tài chính, ngăn chặn tình trạng suy thoái, chính phủ nhiều nước bắt đầu tiến hành các kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế. Có 5 giải pháp cơ bản được sử dụng nhiều nhất.Giảm thuế tiêu thụ: Đây là biện pháp hàng đầu của Anh. Từ ngày 1-12, thuế tiêu thụ giảm từ 17,5% xuống 15% cho tới hết năm 2009. Bằng việc tạo nên sự "giảm giá tạm thời", kế sách này nhằm khuyến khích người dân Anh mua sắm nhiều hơn. Nhưng đấy là biện pháp mà 2 nước Tây Âu khác là Pháp và Đức từ chối sử dụng với lập luận rằng, sau khi giá dầu mỏ và giá các nguyên vật liệu hạ thấp, tình trạng lạm phát đã có xu hướng giảm.
Việc giảm thuế tiêu thụ chứa đựng 2 nguy cơ. Thứ nhất, lượng giảm không thực sự gây ấn tượng với người tiêu dùng. Trong trường hợp đó, các xí nghiệp và nhà phân phối được lợi nhiều hơn nhưng lại không có mấy tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc giảm thuế tiêu thụ khiến người ta càng lo ngại xuất hiện tình trạng giảm phát, bởi giá cả giảm thì sản xuất sẽ ngưng trệ. Trong khi đó, tái khởi động nền kinh tế cũng có nghĩa là phải ngăn chặn nguy cơ giảm phát. Mục tiêu của Chính phủ Anh là người dân có thể tận dụng ngay lập tức lợi ích mà biện pháp giảm thuế mang lại trong mùa mua sắm Giáng sinh đang tới.
Hoàn thuế hay trợ cấp trực tiếp: Từ đầu năm 2008, Mỹ đã dùng các khoản tín dụng về thuế dành cho các gia đình để kích thích tiêu thụ. Kế hoạch tái khởi động nền kinh tế của Tổng thống đắc cử Barack Obama cũng có điều khoản tương tự, có thể sẽ áp dụng ngay từ quý 1-2009, giảm thuế hay hoàn thuế đối với các gia đình có thu nhập thấp. Trong kế hoạch của Anh cũng trù tính việc này.
Nhưng có một thông số chưa được làm rõ: Trong hoàn cảnh bấp bênh hiện nay, một số gia đình sẽ có khuynh hướng cất giữ khoản "thu nhập phụ" này vì lo xa, hoặc sẽ dùng nó để trả những khoản vay mượn từ trước. Ngoài ra, các khoản tín dụng về thuế dành cho các gia đình có thu nhập thấp có thể khiến các loại trợ cấp xã hội khác cũng tăng theo, như trợ cấp lương hưu, tiền bồi thường thất nghiệp bán phần, tiền thưởng nhân dịp Giáng sinh, tiền trợ giá điện, gas...
Khuyến khích đầu tư doanh nghiệp: Bị cơn khủng hoảng làm kinh sợ, rất nhiều doanh nghiệp quyết định "đóng băng" kế hoạch đầu tư. Việc dành cho doanh nghiệp những biện pháp tài chính ưu đãi có thể khiến họ thay đổi ý kiến. Ở Pháp, các khoản đầu tư được miễn thuế nghề nghiệp cho tới năm 2010. Đức cũng có một loạt biện pháp khuyến khích đầu tư, giúp đỡ tài chính các xí nghiệp vừa và nhỏ.
Trợ giúp những ngành kinh tế cụ thể: Mỹ, Pháp hay Tây Ban Nha trợ giúp trực tiếp các nhà sản xuất xe hơi. Pháp giải ngân nguồn tín dụng phục vụ nghiên cứu sản xuất xe hơi điện. Đức miễn thuế cho người mua xe mới.
Trong khi đó, Trung Quốc trợ giúp nông nghiệp, nơi người lao động có thu nhập thấp hơn nhiều so với người lao động ở thành thị, tránh tình trạng nông dân đổ dồn đến các nhà máy và các khu đô thị. Nhà nước Trung Quốc đứng ra thu mua nông sản, góp phần quan trọng cải thiện thu nhập của nông dân.
Tiến hành các công trình lớn: Một giải pháp "kinh điển", nhằm kích cầu và tạo việc làm. Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng các ngành điện lực, giao thông, xây dựng... và tiến hành chỉ trong 2 năm các công việc vốn được lập kế hoạch 5 năm. Anh cũng tăng tốc cấp tín dụng cho các công trình hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ở Mỹ, kế hoạch của tân Tổng thống Obama có những khoản đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng tái sinh, hạ tầng giao thông...
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com