Nếu như báo cáo "Cảm nhận môi trường kinh doanh VN năm 2007" thể hiện sự lạc quan về tăng trưởng, cảm nhận của năm 2008 khá ảm đạm khi các DN chỉ mong đợi một môi trường kinh doanh "tạm được".
Tỉ lệ các DN đánh giá môi trường kinh doanh ở mức "kém" cũng lên tới 30%, trong lúc năm 2007, con số này là 5,3%.
Chỉ số môi trường kinh doanh ở mức 1,94/4
Đây là báo cáo được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN 2008, diễn ra sáng 1.12 tại Hà Nội. Theo báo cáo này, chỉ số môi trường kinh doanh năm 2008 tại VN chỉ đạt mức 1,94, trong lúc chỉ số 2 là mức kém. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh trong 12 tháng qua gây ra rất nhiều thách thức cho các DN.
Tỉ lệ DN không có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong 3 năm tới đã tăng gấp đôi lên mức 22%, so với 10% năm 2007.
Cơ sở hạ tầng vẫn là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của DN trong năm 2008, như thiếu hụt điện năng, cảng biển tắc nghẽn, giao thông đường bộ yếu kém. Điều này làm tăng chi phí kinh doanh, giảm tính cạnh tranh của DN.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN - ông Michael J.Pease - cho rằng, tham nhũng trong các công trình hạ tầng và công cộng đã làm tăng thêm sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại VN.
Ngoài ra, những hạn chế về bảo vệ sở hữu trí tuệ, sự yếu kém của hệ thống toà án, hiệu quả dịch vụ hành chính thấp, khó khăn về nguồn cung lao động có tay nghề cao là những thách thức lớn khác được đề cập.
Tuy nhiên, các DN trong và ngoài nước đều lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của những năm sắp tới. Theo đó, mức xếp hạng của năm 2010-2011 quay trở lại mức lạc quan của năm 2007. Điều này chứng tỏ các DN tin tưởng vào khả năng VN sẽ vượt qua các thách thức, bình ổn kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Không nên dùng tiền ngân sách để làm kinh tế
Theo ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ TP.Hồ Chí Minh, "Nhà nước không nên làm thay các DN trong hoạt động kinh doanh", không nên dùng tiền ngân sách - do dân và DN nộp - để làm kinh tế, mà chỉ nên tập trung vào công tác quản lý vĩ mô và điều tiết thị trường.
Cũng về vấn đề này, bà Phạm Thị Loan - Chủ tịch Hiệp hội n ữ DN Hà Nội - cho rằng, nhiều nước đã có những bộ luật chống độc quyền, trong khi có vẻ xu hướng của VN đang muốn xây dựng những tập đoàn kinh tế nhà nước mang nặng độc quyền. "Nếu Chính phủ không nhìn nhận rõ vấn đề này, thì vô tình sẽ đưa VN trở về thời kỳ kinh tế bao cấp nhà nước, bảo hộ DN nhà nước, mà thu hẹp các DN ngoài quốc doanh, đặc biệt là DN vừa và nhỏ" - bà Loan nhấn mạnh.
FDI có nguy cơ giảm
Theo bà Loan, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào VN có nguy cơ giảm. Dù năm 2008, số đăng ký của FDI đã lên con số 60 tỉ USD, trong đó chỉ mới 11 dự án đã có số vốn đăng ký tới 45 tỉ USD. Tuy nhiên, số thực hiện đến nay chỉ đạt 11 tỉ USD. Trong khi đó, nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ còn đe doạ đến khả năng huy động vốn của những dự án này, cũng như khả năng phát triển dự án tiếp sau, nên đầu tư FDI có nguy cơ giảm mạnh - bà Loan cho hay.
Một trong những nguyên nhân gây ra khoảng cách lớn giữa FDI cam kết và FDI giải ngân - theo lý giải của Chủ tịch AmCham - chính là những trở ngại trong môi trường kinh doanh tại VN.
"Tất cả chúng ta đều biết về những trở ngại đang tồn tại đối với kinh doanh tại VN, bởi nhiều trong số các trở ngại này đã được nhắc lại một năm hai lần tại diễn đàn kinh doanh VN. Trong nhiều trường hợp, những trở ngại này lớn đến mức - kể cả trong quá khứ - khiến các dự án không vay được tiền ngân hàng. Đây là một trong những lý do đằng sau khoảng cách lớn giữa FDI cam kết và FDI giải ngân" - ông Pease nhấn mạnh.
(Theo báo Lao động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com