Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần thay đổi từ gốc

- Năm 2007, nông sản mang lại 12,5 tỉ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, “đầu ra” thị trường thế giới của nông sản đang trở nên bấp bênh, tác động tiêu cực đến đời sống nông dân...

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên 3 “kịch bản” đối phó, song... nông sản vẫn gặp vô vàn khó khăn khi xuất khẩu. 

"Biến động lớn, khó lường"
Tại hội nghị "tìm lối thoát cho xuất khẩu nông sản" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát so sánh, nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng thì Việt Nam chỉ được 30 đồng nhưng với nông sản, sẽ thu về 70 đồng. Giảm 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản tương đương với giảm 3 tỷ USD xuất khẩu mặt hàng khác.

 Hiện tại, các thị trường nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc (nhập khẩu 50% cao su), châu Âu (cà phê hạt - cà phê nguyên liệu), các nước Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông (chủ yếu là gạo)... Khủng hoảng tài chính tác động đến nông sản xuất khẩu từ tháng 9-2008. Nếu giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 đạt trên 1,39 tỷ USD thì sang tháng 11, con số này còn khoảng 1,2 tỷ USD. Riêng mặt hàng thủy sản, nhu cầu trên thị trường thế giới thường tăng mạnh vào tháng 11, 12 theo qui luật song đến nay, số lượng đơn hàng nhập khẩu vẫn sụt giảm. Các chuyên gia dự báo thị trường tiếp tục khó khăn đến hết quý I năm 2009.

 Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã giảm đáng kể. Thị trường nông sản năm nay được cho là "biến động rất lớn, khó lường nhất từ khi đổi mới đến nay". Hiện hàng nông sản bắt đầu có dấu hiệu tồn đọng ở các cảng của Mỹ và một số nước. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng hai thị trường Hoa Kỳ và EU, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vẫn tồn kho khoảng 30% số hàng nhập từ năm 2007. Một lượng lớn hàng nhập năm nay cũng đang "được bảo quản".

 “Vừa bị đấm vừa bị đạp...”

Bộ NN&PTNT đã đưa ra 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu để lên phương án cho xuất khẩu nông sản Việt Nam dựa trên các viễn cảnh phục hồi nhanh trong quý I-2009, kết thúc khủng hoảng trong năm 2009 và khủng hoảng tiếp tục lún sâu. Với cả 3 kịch bản này, xuất khẩu nông sản Việt Nam đều giảm (lần lượt xuống các mức 15,3 tỷ USD, 13 tỷ USD, 10,8 tỷ USD). Thậm chí, ngành nông nghiệp gặp khó khăn ngay tại thị trường nội địa khi nông sản nước ngoài được ồ ạt nhập khẩu vào nước ta.

 Thị trường nông sản xuất khẩu gặp khó khăn không chỉ bởi khủng hoảng tài chính. Ông Lê Đức Thịnh, một trong những chuyên gia có uy tín về ngành hàng nông sản, đánh giá: Từ trước đến nay, các dự báo về thị trường nông sản dựa trên cung - cầu song hiện các ngành hàng nông sản bị các trung gian, công ty phân phối xuyên quốc gia đầu cơ.

 Việt Nam không xuất khẩu được tận gốc mặt hàng cà phê mà phải qua trung gian... Nạn đầu cơ trên thị trường nông sản thế giới ngày càng phức tạp. Vì vậy, dự báo dựa trên cung - cầu không bảo đảm được độ chính xác.

 Theo ông Thịnh, nông dân nhiều nước chứ không riêng Việt Nam đang gặp khó khăn, đặc biệt khi không biết thị trường cần gì: - Lúc chúng ta sản xuất nhiều, thừa hàng, thế giới không cần. Lúc chúng ta sản xuất ít, thị trường thế giới lại cần hàng.

Khủng hoảng tài chính thế giới đang tác động trực tiếp đến các mặt hàng nông sản là nguyên liệu cho công nghiệp, chẳng hạn cao su.

 Ông Thịnh cho hay: Nhu cầu cao su nguyên liệu của các tập đoàn sản xuất ô tô (săm, lốp) hay công nghiệp sử dụng cao su giảm đi. Mặt khác, người Mỹ, châu Âu mua ô tô ít đi nên nhu cầu cao su giảm dẫn tới rớt giá. Thị trường tài chính còn tác động ở nhiều khía cạnh khác. Chẳng hạn, khi nền kinh tế suy giảm, các nhu cầu đều giảm, trong đó có nhu cầu chi tiêu. Ví dụ ở Mỹ, người ta bớt đi ăn nhà hàng, khách sạn... làm giá tiêu dùng giảm xuống. Mức sống giảm dẫn tới mặt bằng giá giảm là điều tất yếu. Tuy nhiên, ngành hàng lương thực, thực phẩm bị tác động ít hơn.

 Điều đáng chú ý là kể cả khi đầu ra cho nông sản thuận lợi thì các công ty trung gian, nhà phân phối vẫn là đối tượng hưởng lợi nhuận cao (20% khối lượng hồ tiêu xuất khẩu sang châu Âu của Ấn Độ có nguồn gốc Việt Nam). Người nông dân không chỉ bị "chặn đầu" mà còn bị "cắt đuôi" lợi nhuận - theo cách nói của những người trong ngành là “vừa bị đấm vừa bị đạp”.

 Khó khăn có tạo ra thay đổi?

Khả năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không quá tồi song việc tổ chức các ngành hàng xuất khẩu kém. Ông Lê Đức Thịnh nhìn nhận: Chúng ta có rất nhiều hiệp hội ngành hàng song trên thực tế đây chỉ là hiệp hội của các nhà xuất khẩu, trong khi lẽ ra phải bao gồm các chủ thể khác như nhà đầu tư (nông nghiệp), người nông dân... Các nhà xuất khẩu chỉ lo lợi nhuận của họ. Khi bán hàng được, họ "kêu gào" nông dân bán hàng. Khi thị trường đình đốn, họ xuất cầm chừng, nằm im, thậm chí bỏ mặc nông dân. Muốn hợp tác, Nhà nước phải hỗ trợ mạnh tay. Điểm mấu chốt là phải có chính sách tốt để khi hiệp hội ra đời, những thực thể yếu thế như nông dân được bảo vệ. Không có cơ sở pháp lý thì khó nói sự hợp tác của các bên.

 Thêm vào đó, lĩnh vực nông nghiệp phải có đội ngũ nhà xuất khẩu mạnh. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, Chính phủ đóng vai trò lớn. Chính phủ có thể xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu đối ứng (mặt hàng khác) để khai thông thị trường, hỗ trợ người nông dân. Tuy nhiên, chất lượng hàng nông sản của Việt Nam đang có "quá nhiều vấn đề", từ khâu sản xuất (manh mún dẫn tới chất lượng không đồng đều), khâu chế biến quá kém (hầu như xuất thô hoặc sơ chế). Ông Thịnh cũng khuyến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại hơn là đứng ra tổ chức các hội chợ, triển lãm: Trên thực tế, Việt Nam hiếm doanh nghiệp đi nước ngoài tìm thị trường vì họ thiếu thông tin về thị trường thế giới. Chính phủ cần cung cấp cho doanh nghiệp càng nhiều thông tin càng tốt, định hướng mặt hàng, thị trường... cho doanh nghiệp...

 Khủng hoảng có tạo ra sự thay đổi bước ngoặt nào trong cách thức sản xuất nông nghiệp? Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán lại đầu tư thâm canh, quy hoạch lại sản xuất đối với từng cây, con cụ thể... nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong nước. Tóm lại, là phải có sự thay đổi từ gốc.

(Theo báo Hà Nội mới )

  • "Kinh tế quốc dân"
  • Hỗ trợ doanh nghiệp là cứu nền kinh tế
  • Tháng 11-2008: Vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế
  • Kỳ vọng khi chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm
  • Tổng hợp tình hình kinh tế trong nước tuần (từ 25/11 - 29/11)
  • Thương mại và Hội nhập: Dự báo ở mức 18 tỷ USD
  • Kinh nghiệm về hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương
  • Phát triển doanh nghiệp công nghiệp tại khu vực nông thôn: Cần những biện pháp thật cụ thể
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi