- Mình không phải là nhà nghiên cứu chuyên môn về kinh tế nên phải đi hỏi nhiều bạn nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, rằng: Thuật ngữ "kinh tế quốc dân" mà ta rất quen sử dụng nếu dịch ra tiếng Tây có khác "kinh tế quốc gia" hay không?
Họ bảo rằng giống nhau, còn nếu dịch nôm thì vẫn là "kinh tế của một đất nước". Vậy thì, "kinh tế quốc dân" có hàm chứa một nội dung gì khác hay không và ai sử dụng thuật ngữ này đầu tiên? Đến đoạn này thì lại gần với công việc của giới sử hơn.
"Kinh tế" vốn là từ Hán-Việt được từ điển giải nghĩa rằng nguyên gốc từ "kinh" là "sửa trị" còn "tế" là "cứu giúp". Đến thời Minh Trị Duy Tân, người Nhật dùng để diễn đạt khái niệm "economie" của người phương Tây để nói về toàn bộ hoạt động của con người nhằm sản xuất của cải vật chất và trao đổi, phân phối của cải đó trong toàn xã hội. Từ điển Bách khoa của ta thì có mục từ "kinh tế quốc dân" mà không có "kinh tế quốc gia" nhưng được giải thích không có gì khác biệt.
Đọc lại sách cũ thì thời thuộc địa mới có khái niệm "kinh tế" hiểu như cách của người Nhật. Còn khái niệm "kinh tế quốc dân" thì xuất hiện muộn hơn. Đào Duy Anh là một học giả nhưng cũng là người từng bị cuốn vào cơn lốc của chính trường từ rất sớm nên nghiên cứu nhiều học thuyết xã hội và chính trị.
Ông cũng là người chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn đang ảnh hưởng mạnh mẽ cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Hoa. Vì thế trong "Từ điển Hán-Việt" của ông xuất hiện mục từ "quốc dân" được hiểu tương đương như từ tiếng Pháp mang nghĩa "công dân"(citoyen) lại có cả mục từ "quốc dân kinh tế chủ nghĩa" được giải nghĩa là "cái chủ nghĩa chủ trương dùng chế độ kinh tế để bảo hộ cho công nghệ thương mại nước nhà".
Cần nhớ rằng cái cốt lõi của chủ nghĩa Tam dân (Dân tộc-Độc lập ; Dân quyền-Tự do ; Dân sinh-Hạnh phúc) là một tư tưởng chính trị bao trùm cuộc tranh đấu chống chế độ quân chủ đã lỗi thời và chủ nghĩa thực dân đang đe doạ và thống trị các quốc gia nhược tiểu (trong đó có cả Trung Hoa).
Nên sức hấp dẫn của nó lan toả đối với nhiều quốc gia phương Đông phần lớn đang là thuộc địa của phương Tây. Khái niệm "Quốc dân" và "Dân Quốc" là những đặc trưng của thời đại này nên nó hấp dẫn nhiều tầng lớp trí thức phương Đông. Đào Duy Anh đương nhiên là người chịu ảnh hưởng và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người ngưỡng mộ học thuyết này trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân tộc và dân chủ.
Đó là lý do vì sao lớp trí thức yêu nước và cấp tiến tập hợp quanh tờ báo "Thanh Nghị" hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945 như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hoè, Nghiêm Xuân Yêm... lại quan tâm bàn thảo nhiều về nền kinh tế của nước VN một khi giành được độc lâp. Các vị này vẫn chưa dùng đến thuật ngữ "kinh tế quốc dân" nhưng đã cố hình dung ra một nền kinh tế của một quốc gia độc lập phải hướng vào lợi ích của người dân và lấy nó làm thước đo để phân biệt với nền kinh tế thuộc địa và ngay cả nền kinh tế của các nước tư bản Âu-Mỹ... Các vị tham gia cuộc thảo luận này sau ngày cách mạng thành công đều tham gia vào bộ máy nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nước Việt Nam độc lập lựa chọn cho mình thể chế "Dân chủ - Cộng hoà" và mục tiêu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Và lần đầu tiên thuật ngữ "Kinh tế quốc dân" xuất hiện lại chính trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các giới công thương Việt Nam ngày 13.10.1945, văn kiện mà vài năm trở lại đây Chính phủ đã chọn là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Thư viết: "...Việc nước và việc nhà đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".
Nội hàm của "kinh tế quốc dân" được thể hiện trong nhiều đường lối chính sách ban hành từ rất sớm, nhưng vấn đề "kinh tế quốc dân" không có cơ hội được đề cập đến nhiều bởi lẽ vào thời điểm này vấn đề "kháng chiến" trở thành ưu tiên hàng đầu và không ai ngờ chiến tranh kéo dài qua nhiều thập kỷ. Nhưng về sau này thuật ngữ "kinh tế quốc dân" lại thường xuyên xuất hiện trong các văn kiện cũng như sử dụng thành thói quen mà ít ai quan tâm đến nội hàm mang tính lịch sử của nó và trở nên đồng nhất với ý niệm về "nền kinh tế của quốc gia"...
Sở dĩ nghĩ ngợi nhiều về câu chữ này là vì càng ngày tôi càng cảm thấy hình như thuật ngữ mà nhiều người vẫn thường dùng là "kinh tế quốc dân" không phải là "kinh tế quốc dân" theo đúng nghĩa của nó. Điển hình nhất là tình trạng (mà có thể gọi là "hội chứng") sính trưng GDP trong các bản báo cáo về kinh tế.
GDP là một chỉ số mang tính phổ quát để định lượng được sự tăng trưởng của nền kinh tế của một vùng lãnh thổ, một quốc gia hay khu vực quốc tế. Cách tính cũng chưa phải là nhất quán nhưng nó đã trở thành thông lệ để đánh giá và so sánh cả theo chiều lịch đại và đồng đại. Cả thế giới ngày nay đều quan tâm đến GDP. Nhưng chắc chắn nó không phải là giá trị duy nhất và riêng nó không thể phản ánh được cái tinh thần của một nền "kinh tế quốc dân" một khi nó không định vị được vị thế chủ thể là "quốc dân". Nói đơn giản là người dân đóng góp và được hưởng thụ như thế nào trong nền kinh tế ấy. Cũng giống như lập luận giản dị của Cụ Hồ khi khẳng định "nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc là vô nghĩa". Suy rộng ra thì GDP tăng trưởng mà chất lượng sống của người dân không tăng thì cũng là... vô nghĩa vậy.
Ngay trong các báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, chỉ số GDP luôn được bàn nhiều nhất để cân nhắc điều chỉnh chi li đến từng con số, dấu phẩy nhưng ít thấy bàn đến chất lượng của nó. Rằng con số ấy từ nguồn lực nào, thành quả của nó sẽ nằm ở trong hay đưa ra ngoài nước, đã "trừ bì" với cái giá phải trả về môi trường suy thoái hay chưa... và quan trọng nhất là người dân được hưởng ra sao...? Câu chuyện quanh con số xuất khẩu gạo lãi đến 60% mà người nông dân được hưởng vô cùng ít (gần 6% với lúa hè-thu, gần 20% với lúa đông-xuân) thì cũng có thể thấy rằng thành tích xuất khẩu gạo không thể coi là thành tựu của nền "kinh tế quốc dân".
Đọc báo thấy đăng câu chuyện này đâm càng phải nghĩ ngợi: Mới đây một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khi về tìm hiểu một địa phương nọ rất kinh ngạc khi thấy lãnh đạo sau khi đưa ra hàng loạt những khó khăn khiến tỉ lệ đói nghèo cao nhưng rồi vẫn khẳng định tỉnh vẫn tăng trưởng GDP ngất ngưởng... 10%. Hỏi đến cùng thì được trả lời là các tỉnh bạn đều tăng như thế, không lẽ... Cũng như vậy, ở Quốc hội đã có vị bày tỏ nỗi băn khoăn vì sao GDP cả nước đang giảm thì lại thấy GDP các địa phương đăng ký và báo cáo không hề giảm? Tờ báo đăng tin này rút "tít" là "lại vẫn bệnh thành tích"(*), nhưng tôi lại nghĩ phải chăng vẫn còn ít người nhận thức đầy đủ ý nghĩa của khái niệm "kinh tế quốc dân"?
(Theo báo lao động )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com