Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp phát triển HTX nông nghiệp ở Tiền Giang

Trong những năm qua, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của Tiền Giang phát triển theo chiều hướng tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp hầu hết đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, trình độ cán bộ và nhận thức của xã viên còn hạn chế.

Giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn đó?

Tiền Giang là tỉnh nông nghiệp, gần 80% số nông dân sống bằng nghề nông, số đông có trình độ thâm canh cao, cần cù chịu khó và nhạy bén trong việc tiếp thu ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Việc các HTX nông nghiệp hình thành, phát triển, là chiếc "cầu nối" liên kết nông dân trong việc định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Ðặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết 13 của BCH T.Ư Ðảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các HTX nông nghiệp Tiền Giang có bước chuyển biến rõ rệt.

Toàn tỉnh có 93 HTX hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 40 HTX, với hơn 16 nghìn xã viên, giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động thuộc các ngành nghề: hoạt động nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp; hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt nông thôn...;  Tổng nguồn vốn hoạt động gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn góp của xã viên là hơn 17 tỷ đồng, chiếm 65% trong tổng số nguồn hoạt động của các HTX.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Tiền Giang, trong năm năm trở lại đây, tuy số lượng thành lập HTX mới ít nhưng chất lượng hoạt động có nâng lên, kết quả năm sau cao hơn năm trước, quy mô hoạt động mở rộng hơn.

Ðiều này cho thấy tỉnh tập trung đến việc duy trì và phát triển các HTX thực chất có hiệu quả, chỉ thành lập mới HTX khi có yêu cầu và đủ điều kiện, không chạy theo số lượng. Những HTX hoạt động kém hiệu quả, không khả năng củng cố thì hướng dẫn thủ tục giải thể theo luật định.

Cụ thể, trong 14 HTX nông nghiệp được thành lập mới thời gian gần đây, chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh rau, quả, lúa đều hoạt động ổn định và có hiệu quả.

Các HTX đều định hướng và liên kết nông dân với nhau để mở rộng vùng trồng các loại trái cây, rau, quả đặc sản theo hướng an toàn, chất lượng cao. Trong đó, điển hình như HTX vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim), HTX lúa an toàn, chất lượng cao Mỹ Thành (Cai Lậy) là hai đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận Global GAP, mở hướng đi mới cho trái cây và hạt gạo Tiền Giang có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước...

Tuy các HTX nông nghiệp đã đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất theo quy trình chuyên canh, mở rộng dịch vụ ngành nghề, bộ máy quản lý gọn nhẹ, được xã viên và người lao động tín nhiệm, tham gia góp vốn ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo,  khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Song trong hoạt động, các HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, khó khăn và vướng mắc.

Khó khăn lớn nhất là hầu hết các HTX đều chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ) nên các HTX nông nghiệp phải mượn trụ sở của UBND xã hoặc nhà riêng của chủ nhiệm để làm việc.

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng sản xuất dứa theo hướng GAP, là HTX điểm của tỉnh cho biết: 10 năm nay HTX vẫn chưa có trụ sở, Ban chủ nhiệm làm việc không lương vì HTX hoạt động không có lãi. Thời gian gần đây, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) "hà hơi tiếp sức", hỗ trợ xây dựng vùng dứa đạt chứng nhận Global GAP, hỗ trợ kinh phí mua máy xới, vì thế HTX mới có điều kiện đẩy mạnh sản xuất.

Hầu hết các HTX nông nghiệp ở Tiền Giang đang vướng vào vòng "luẩn quẩn" về thiếu vốn, trình độ cán bộ còn hạn chế và nhận thức của xã viên về HTX chưa đúng.

Một số nơi, chính quyền xã, huyện xem HTX nông nghiệp là "cánh tay nối dài" của mình, nên can thiệp cả định hướng kinh doanh, nhân sự... làm mất quyền tự chủ trong hoạt động của HTX.

Muốn cạnh tranh, các HTX nông nghiệp phải thuê người giỏi để chèo lái hoạt động của mình. Ðiều đó có nghĩa là HTX phải trả lương cao theo cơ chế thị trường cho những nhà quản lý, chuyên gia.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Liên minh HTX Tiền Giang Ðỗ Thị Mỹ thì, muốn thuê người giỏi phải có tài chính, trong khi đó các HTX lại không nhận được sự đối xử "bình đẳng" như các doanh nghiệp khác, do không có tư cách pháp nhân khi vay vốn ngân hàng...

Ðể giải bài toán khó cho các HTX nông nghiệp, Tiền Giang đã đề ra mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng một cách bền vững, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðó là, đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác,  HTX, từng bước đưa hoạt động kinh tế hợp tác đáp ứng yêu cầu hội nhập;  đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng các chính sách hỗ trợ cho sản xuất một cách cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích nông dân tự nguyện liên kết hình thành những mô hình sản xuất được chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam (Viet GAP), khu vực (Asean GAP), châu Âu (Europ GAP) và toàn cầu (Global GAP).

Phấn đấu đến cuối năm 2010, một số huyện, thành phố, thị xã có ít nhất một HTX đạt tiêu chuẩn GAP, đến cuối năm 2015, tất cả các HTX nông nghiệp đều đạt chuẩn tiêu chuẩn GAP hoặc SQF.

HTX phải là điển hình tiêu biểu về kinh tế, kỹ thuật và xã hội, là chỗ dựa của nông dân. Ðạt được mục tiêu này, trước hết tỉnh cần tập trung hỗ trợ các HTX nông nghiệp liên kết với nông dân mở rộng vùng chuyên canh các loại rau, quả, lúa đặc sản đạt chất lượng cao, an toàn và số lượng lớn để đủ sức cạnh tranh theo yêu cầu đòi hỏi của thị trường.

Bởi theo các HTX tiêu biểu trong tỉnh, tuy HTX được cấp chứng nhận Global GAP, thị trường xuất khẩu rất thuận lợi nhưng lại không đủ hàng hóa cung cấp  nên không dám ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài.

Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim) Nguyễn Văn Ngàn cho biết: Hiện nhiều công ty đến hợp đồng mua vú sữa xuất khẩu nhưng HTX không dám ký hợp đồng vì số lượng đạt tiêu chuẩn rất ít. Vì thế, ông mong rằng sẽ được tỉnh tiếp tục hỗ trợ HTX tiến hành mở rộng diện tích vú sữa thực hiện theo tiêu chuẩn Global GAP để đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường; đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị trái vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim) trong thời gian tới.

Còn ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo phấn khởi cho biết, HTX đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật) và đại diện phía kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ kiểm tra vùng trồng thanh long của HTX và chấp nhận là một trong bảy đơn vị được xuất khẩu thanh long vào nước này.

Vấn đề còn lại là mở rộng diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn Global  GAP, đóng gói, chiếu xạ, đáp ứng theo yêu cầu của phía Mỹ và các bước chuẩn bị đang được tiến hành.

Ðể vực dậy HTX nông nghiệp, có nhiều giải pháp được đề cập, từ con người đến cơ sở vật chất, tài chính, thương mại..., song theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yếu tố quan trọng vẫn là khoa học công nghệ.

Theo đó, ngành khoa học công nghệ cần tăng cường hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế vào quy trình sản xuất ra nhiều sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn.

Trước mắt, ngành tham gia mở rộng 40 ha trồng vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim) theo tiêu chuẩn Global GAP, 50 ha theo Viet GAP và 20 ha dứa theo hướng tiên tiến, đồng thời từng bước mở rộng hàng hóa nông, hải sản để quảng bá, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, các HTX cần mạnh dạn đầu tư những trang thiết bị có công nghệ tiên tiến để giảm chi phí không hợp lý trong các dịch vụ của HTX...

(Theo Nhân dân)

  • Sẽ giảm 30% thuế thu nhập cho DN ?
  • “Đại sứ hàng Việt” cổ vũ tiêu dùng hàng Việt
  • Giáo sư Michael Porter: Cải cách ở VN cần chuyển sang cấp độ mới
  • Các nước giàu vẫn cần nhiều nhân công nước ngoài
  • Vì sao nhiều hợp tác xã vẫn phải chờ đợi?
  • Trước nguy cơ “ thua trên sân nhà ”
  • CPI tăng trưởng âm có đáng lo ngại?
  • Quản lý chất lượng trong môi trường cạnh tranh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi