Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương mại và Hội nhập: Chưa có đủ nguồn điện triền miên

Công tác dự báo tăng trưởng nhu cầu về điện còn kém, không tương ứng với kế hoạch phát triển nguồn điện, là một trong những hạn chế của ngành điện trong gần 2 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhu cầu năng lượng, trong đó có điện năng thời gian qua đã tăng mạnh cùng sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện triền miên. Đó là nhận định của các chuyên gia ngành năng lượng tại Hội thảo đánh giá những tác động đối với ngành năng lượng sau 2 năm gia nhập WTO do Bộ Công thương chủ trì vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo tính toán, nhu cầu điện của Việt Nam hiện là khoảng 13.000 MW, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới cung cấp được gần 12.000 MW, thiếu hơn 1.000 MW. EVN đã phải mua hơn 400 MW từ Trung Quốc để giải quyết phần nào tình trạng thiếu điện vào mùa khô hạn. Việc huy động công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn hiện nay lại gặp khó khăn do nguyên liệu đầu vào của các nhà máy điện như than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt...

Một yếu tố quan trọng khiến nhu cầu năng lượng tăng cao là nhiều dự án sản xuất - kinh doanh lớn đổ vào Việt Nam thời gian qua, khiến phụ tải tăng mạnh. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt và có xu hướng khô hạn sớm ảnh hưởng không nhỏ đến công suất của các nhà máy thuỷ điện vốn chiếm tỷ trọng điện năng lớn trong cơ cấu ngành.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực TP.

Hà Nội nhận định, công tác dự báo tăng trưởng nhu cầu về điện còn kém, không tương ứng với kế hoạch phát triển nguồn điện; các nhà máy sản xuất điện đi vào hoạt động thường chậm hơn kế hoạch cũng là nguyên nhân gây thiếu điện. Khi đi vào hoạt động, nhiều nhà máy vận hành chưa ổn định, còn gặp nhiều sự cố...

“Dự tính, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ còn tiếp tục thiếu điện. Bởi vì chúng ta luôn phải chạy theo tốc độ phát triển cao về nhu cầu sử dụng điện, dẫn đến nguồn lực không đáp ứng được nhu cầu phát triển và không có nguồn điện dự phòng”, ông Tuấn nói.

Một trong những giải pháp để đáp ứng tốt hơn nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội là tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này. Theo các chuyên gia năng lượng, các nhà máy thuỷ điện cho giá thành thấp, nhưng lại đòi hỏi vốn đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, còn đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện cũng gặp khó khăn do nhiên liệu trong nước cạn kiệt, nhiên liệu nhập khẩu giá thành cao. Do đó, phát triển nguồn năng lượng hạt nhân với kế hoạch khởi động vào năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2020 đang được thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, một trong những mục tiêu cụ thể của ngành năng lượng là đến năm 2020 sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành và tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Dù vậy, việc phát triển điện hạt nhân hiện còn nhiều bàn luận về mức đầu tư, công nghệ hay sự lo ngại của công chúng về mức độ an toàn và cách xử lý các chất thải phóng xạ...

Song dù lựa chọn trọng điểm đầu tư nào thì các phương thức và nguồn vốn đầu tư cho ngành điện vẫn còn nhiều điều cần bàn. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2006 -2025 khoảng 75 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn chính là 40 tỷ USD do EVN huy động từ vốn tự có và các nguồn vay khác; phần còn lại sẽ phải huy động từ các dự án đầu tư độc lập gồm đầu tư của các DN nhà nước khác, DN tư nhân và nước ngoài.

Tuy nhiên, các DN tư nhân hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dự án điện, bởi hầu hết những dự án có tính khả thi cao vẫn được giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, mô hình hợp tác đầu tư Nhà nước - tư nhân (PPP) còn tồn tại mâu thuẫn về lợi ích giữa hai bên. Vì thế, tìm được tiếng nói chung giữa hai bên trong mô hình này đến nay vẫn là bài toán khó.

(Theo Đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi