![]() |
Công ty TNHH Chè Vina - Suzuki là một trong những đơn vị báo cáo kinh doanh lỗ. Ảnh: Đại Phong |
Số liệu thống kê của ngành thuế tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong số 104/111 DNNN hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2009 báo cáo thua lỗ, có tới 39 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Đài Loan chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà ô long đều báo cáo lỗ.
Theo một lãnh đạo của Cục thuế Lâm Đồng, các DNNN này hiện được thuê đến 3/4 diện tích đất trồng chè của cả tỉnh (khoảng 18.000/24.075ha) để sản xuất, kinh doanh chè. Lượng trà xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng, nhưng trong nhiều năm qua, tỉnh này không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp của các DNNN, bởi sản phẩm trà của các doanh nghiệp này có giá trị xuất khẩu luôn thấp hơn so với giá thành sản phẩm và giá bán trong nước. Từ đó, dẫn đến kết quả báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp luôn thua lỗ, thậm chí tại một số đơn vị, số lỗ lũy kế cao hơn mức vốn đầu tư ban đầu.
Báo cáo của ngành thuế Lâm Đồng gửi Tổng cục Thuế cho thấy, các DNNN chuyên sản xuất, chế biến trà xuất khẩu thu mua nguyên liệu đầu vào với giá 35.000 đồng/kg chè búp tươi (tính ở thời điểm cao giá) và cứ 5kg chè búp tươi chế biến thành 1kg trà ô long thành phẩm. Như vậy, giá nguyên liệu cho 1kg trà ô long thành phẩm là 175.000 đồng/kg (chưa tính các chi phí khác như nhân công, điện, nước, phí quản lý…), nhưng khi tiêu thụ sản phẩm, đơn vị xuất khẩu có đầy đủ các thủ tục, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, với giá xuất khẩu trà ô long loại 1 là 4 USD/kg. Trong khi cùng thời điểm, giá cùng loại sản phẩm được bán trong nước là 1,2 triệu đồng/kg, cao hơn gấp 18 lần so với giá xuất khẩu.
Không những vậy, nhiều DNNN có giá bán trà xuất khẩu luôn thấp hơn giá thành sản xuất, có đơn vị, giá bán chỉ bằng 42% giá thành sản phẩm (?!).
Chuyển giá để thu lợi
Dù báo cáo lỗ, nhưng thực tế các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thuê thêm đất để trồng chè.
Vấn đề đáng nói ở đây là, khi ngành chức năng kiểm tra, các DNNN đều chứng minh có đủ nguồn vốn kinh doanh thông qua các hình thức như họp Hội đồng thành viên để tăng vốn đầu tư; ứng trước tiền hàng của bên nhập khẩu, nhà đầu tư (thực chất là công ty mẹ) hay vay vốn người nhập khẩu, công ty mẹ ở nước ngoài và không ít trường hợp trả vốn bằng hàng (trà).
Trong quá trình thanh tra, ngành thuế còn phát hiện các khoản tiền từ tài khoản ngân hàng của công ty mẹ chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân thành viên của DNNN đang hoạt động tại Việt Nam. Một hình thức khác khá phổ biến mà thanh tra thuế phát hiện là hợp đồng vay vốn của thành viên góp vốn trong công ty mà chồng là giám đốc, vợ là nhà đầu tư hoặc ngược lại, nên không tính lãi, không xác định thời gian trả…
Về việc này, theo lãnh đạo Cục thuế Lâm Đồng, đây thực chất là những hình thức chuyển giá, lách thuế để công ty mẹ ở nước ngoài hưởng lợi. Một số chuyên gia về thuế ở Đà Lạt còn gọi đích danh hiện tượng trên là "hình thức chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua giá bán".
Có thể nói, Lâm Đồng là tỉnh còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, nên đã "trải thảm đỏ" để mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương. Theo đó, các DNNN được ưu đãi miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, chưa kể thuế GTGT đối với chè ô long xuất khẩu bằng 0%... Vậy nhưng, việc các DNNN vẫn kinh doanh không hiệu quả là điều cần phải xem xét, bởi với các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng sản xuất, chế biến kinh doanh trà tại địa phương, lượng trà xuất khẩu không nhiều, nhưng vẫn có lãi và đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng/năm.
Mới đây nhất, Cục thuế Lâm Đồng đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế đề nghị giúp tỉnh sớm tháo gỡ những "vướng mắc" nêu trên.
(Theo Đại Phong // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com